.
Thế giới tuần qua

Chống IS - thách thức lớn với Mỹ

.

Đối mặt với tổ chức Hồi giáo Nhà nước tự xưng (IS) là thách thức lớn với Mỹ và cá nhân Tổng thống Barack Obama. Thực tế, Washington xác định IS còn nguy hiểm hơn cả Al-Qaeda bởi nhóm chiến binh đang hoành hành tại Iraq và Syria có những hành động thật man rợ, đáng bị lên án.

Một hố chôn tập thể vừa được phát hiện ở Iraq sau khi lực lượng người Kurd và Shiite tiếp quản thị trấn Sulaiman Bek từ tay các chiến binh thánh chiến. 			Ảnh: AFP
Một hố chôn tập thể vừa được phát hiện ở Iraq sau khi lực lượng người Kurd và Shiite tiếp quản thị trấn Sulaiman Bek từ tay các chiến binh thánh chiến. Ảnh: AFP

Ngày 7-9, quân đội Mỹ mở các cuộc không kích xung quanh đập Haditha, phía tây Iraq, nhằm vào IS, theo đề nghị của chính phủ Baghdad. Đây là con đập lớn thứ hai ở Iraq, cung cấp nước cho hàng triệu người ở tây và nam của quốc gia này. Một quan chức Mỹ xác nhận các cuộc không kích nhằm ngăn chặn những kẻ khủng bố đe dọa an ninh của đập. Trong khi đó, theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, đập Haditha là cơ sở vô cùng quan trọng. “Nếu con đập rơi vào tay IS sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng và tạo ra rủi ro lớn đối với lợi ích của Mỹ ở Iraq”, ông Hagel nói.

Các cuộc không kích cũng mở rộng đến sát biên giới Syria, nơi IS đang hoạt động. Giới quan sát cho rằng, Tổng thống Obama đã không dễ dàng khi quyết định tấn công IS, đồng thời kêu gọi thành lập một liên minh quốc tế, bởi sự nghiệp của ông gắn liền với việc phản đối cuộc chiến tranh ở Iraq và rút các binh sĩ Mỹ về nước vào năm 2011. Chính thái độ phản chiến của ông Obama từng là “chìa khóa” để “ghi điểm” với cử tri và nay nếu Mỹ tham chiến trở lại thì sẽ đối diện với hàng loạt vấn đề, trong đó có cả vấn đề chi phí khổng lồ cho một cuộc chiến. Ngay cả các cuộc không kích do Mỹ tiến hành ở Iraq vào ngày 8-8 vừa qua chủ yếu nhằm ủng hộ lực lượng người Kurd ở phía bắc quốc gia này, chứ không phải là một chiến lược tổng tiến công toàn diện.

Thực tế, việc IS liên tiếp hành quyết hai nhà báo Mỹ James Foley và Steven Sotloff gây áp lực cho các nhà lãnh đạo phương Tây, đồng thời đe dọa an ninh nước Mỹ, đặt Tổng thống Obama trước những lựa chọn khó khăn. Đối với việc thành lập liên minh quân sự chống IS, sự ủng hộ của Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cùng các nước khác như: Pháp, Đức… dường như vẫn chưa đủ đối với Mỹ vì ông chủ Nhà Trắng vẫn sẽ khó xoay xở tình hình ở Syria. Nếu muốn chống IS, ông Obama buộc phải “bắt tay” với Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Việc tiêu diệt IS xem ra sẽ có lợi cho nhà lãnh đạo Syria cũng như Iran, điều mà Washington đương nhiên không mong muốn.

Tổng thống Obama sẽ hành động như thế nào trong lúc vừa giải quyết tình hình ở Trung Đông, vừa thực hiện chiến lược “xoay trục” về châu Á, vừa chống Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine? Đồng minh của ông, Thủ tướng Anh David Cameron hiện để ngỏ khả năng không kích ở Iraq và cho rằng “điều này cần thêm thời gian, kiên nhẫn và quyết tâm”.

Tuần này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ đến Trung Đông để mở rộng liên minh chống IS, vận động cho “chiến lược đúng đắn và ý chí quốc tế” (lời của Tổng thống Obama). Mối quan ngại về các chiến binh Hồi giáo cực đoan, lực lượng được cho là đang làm lu mờ cả Al-Qaeda, cũng sẽ được đặt lên bàn nghị sự của Đại hội đồng LHQ vào cuối tháng này.

Hiện cờ và tờ rơi của IS được cho là xuất hiện ở Pakistan và Ấn Độ. Những dấu hiệu này minh chứng IS đang thâm nhập “thành trì” của Taliban và Al-Qaeda. Và như vậy, mối đe dọa từ IS không dừng trong phạm vi Trung Đông nữa…

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.