.
Thế giới tuần qua

Thỏa thuận hòa bình ở Ukraine là "danh nghĩa" (!?)

.

Thỏa thuận chấm dứt 5 tháng nội chiến đẫm máu giữa chính phủ Kiev và lực lượng phiến quân thân Nga ở đông Ukraine được cho là không mang lại hòa bình thật sự cho khu vực này.

Lực lượng Ukraine tuần tra gần Donetsk. 	Ảnh : AFP
Lực lượng Ukraine tuần tra gần Donetsk. Ảnh : AFP

Thỏa thuận được ký kết ở thủ đô Minsk của Belarus có hiệu lực từ ngày 5-9, từng được kỳ vọng tạo bước đột phá, mang lại hòa bình cho đông Ukraine. Thế nhưng, các cuộc giao tranh vẫn liên tiếp diễn ra. Thỏa thuận mới về việc thành lập khu vực phi quân sự tại đông Ukraine cũng được ký ở Minsk vào ngày 20-9 sau một cuộc đàm phán marathon, bổ sung cho thỏa thuận ngày 5-9, nhằm xoa dịu căng thẳng. Tuy nhiên, ngày 21-9, tiếng súng vẫn vang lên ở Donetsk, chỉ vài giờ sau khi Tướng không quân Mỹ Philip Breedlove khẳng định thỏa thuận nói trên chỉ là hình thức, là danh nghĩa, bởi mức độ bạo lực tương đương với thời điểm trước lệnh ngừng bắn.

Ông Breedlove - Tư lệnh tối cao của NATO tại châu Âu - có mặt tại Vilnius (Lithuania) để tham dự hội nghị các tư lệnh quân đội của khối liên minh quân sự này, trong đó đề cập tình hình Ukraine và mối quan hệ với Nga. Tướng Breedlove cho rằng, các lực lượng Nga vẫn hoạt động bên trong Ukraine và thỏa thuận ngừng bắn không phát huy tác dụng nhưng vẫn có thể hy vọng kế hoạch hòa bình mới. “Có thỏa thuận ngừng bắn nhưng những gì đang diễn ra trên thực địa là câu chuyện hoàn toàn khác”, ông Breedlove nói.

Tuy nhiên, ông Breedlove không nói rõ có bao nhiêu binh sĩ Nga đang ở bên trong lãnh thổ Ukraine. Trong khi đó, Nga bác bỏ việc có binh sĩ nước này ở Ukraine. Điện Kremlin cho rằng, số binh sĩ Nga bị lực lượng Kiev bắt giữ thực chất đã đi lạc qua biên giới, chứ không cố tình thâm nhập quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ, hoặc nếu có thì mang tính cá nhân.

Kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn được công bố vào ngày 5-9, ít nhất 35 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng, nhưng không có thông tin về thương vong của lực lượng phiến quân.

Theo AP, NATO đang có kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự tại các nước gần Nga, bao gồm một số quốc gia vùng Baltic. Cả Nga lẫn Ukraine đều không thuộc NATO, nhưng hai nước đều có chung biên giới với các thành viên NATO. Các động thái quân sự của Nga thời gian gần đây, nhất là việc sáp nhập bán đảo Crimea ở nam Ukraine, được cho là gây lo ngại cho liên minh do Mỹ dẫn đầu.
Đến nay, thỏa thuận ngừng bắn ngày 5-9 vẫn được duy trì mặc dù rơi vào tình trạng mong manh. 5 tháng bất ổn ở đông Ukraine cũng đánh dấu mối quan hệ căng thẳng giữa Nga với phương Tây và giải pháp cho mối quan hệ này không đơn giản.

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, cuộc xung đột ở đông Ukraine bắt đầu từ tháng 4 vừa qua làm khoảng 3.000 người thiệt mạng và hàng trăm ngàn người sơ tán. Chưa rõ thỏa thuận bổ sung có giúp cải thiện được tình hình hay không, khu vực phi quân sự có được đảm bảo đúng yêu cầu hay “chỉ là danh nghĩa”. Song, Tổng thống Thụy Sĩ Didier Burkhalter, đồng thời là người đứng đầu Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), đánh giá rằng, thỏa thuận Minsk là “bước tiến đáng kể hướng đến một thỏa thuận ngừng bắn bền vững và đóng góp quan trọng trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng một cách hòa bình”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có động thái gì trong cuộc khủng hoảng ở đông Ukraine, nhất là sau khi Tổng thống Petro Poroshenko bất ngờ ban hành quy chế đặc biệt trong thời hạn 3 năm cho hai tỉnh Donetsk và Lugansk? Các nhà quan sát cho rằng, Nga là mấu chốt trong cuộc khủng hoảng này nên các bước đi của Điện Kremlin sẽ có tác động đến cục diện. Song, tại thủ đô Mátxcơva, hàng ngàn người Nga tuần hành phản đối việc nước này liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Đây là cuộc tuần hành chống chiến tranh đầu tiên diễn ra kể từ khi giao tranh bùng nổ ở miền đông vào tháng 4.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.