.

Vì sao Trung Quốc chưa chống IS?

.
Trung Quốc là nhà đầu tư dầu mỏ lớn nhất ở Iraq và có một số công dân tham gia lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS). Nhưng Bắc Kinh vẫn lưỡng lự trong việc tham gia cuộc chiến quốc tế chống lại tổ chức cực đoan này ở Iraq và Syria.

Có nhiều lý do để Trung Quốc nên vào cuộc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này phụ thuộc vào Trung Đông, vì khoảng 50% năng lượng nhập khẩu đến từ khu vực này.

Hiện nay, Trung Quốc nhập nhiều dầu từ Trung Đông hơn là Mỹ. Trong khi Bắc Kinh tăng cường cuộc chiến chống các phần tử ly khai theo Hồi giáo ở khu tự trị Tân Cương, các thủ lĩnh IS nói rằng, họ đã tuyển mộ được một số công dân Trung Quốc. 

Thế nhưng, đóng góp của Trung Quốc đối với cuộc chiến quốc tế chống lại IS mới chỉ dừng ở mức đề nghị “chia sẻ thông tin tình báo và huấn luyện nhân sự” như lời của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.

Theo nhiều nhà phân tích, Trung Quốc không muốn dấn sâu, chủ yếu vì không tin tưởng ý định của Mỹ, lo ngại bị sa lầy ở vùng xoáy Trung Đông và khả năng quân sự có hạn. Trung Quốc còn thất vọng trước việc phương Tây hoài nghi về chính sách cứng rắn của nước này đối với bạo động của người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Trung Quốc cũng kiên định lập trường rằng, chỉ có Liên Hợp Quốc mới có quyền cho phép can thiệp quân sự vào lãnh thổ một quốc gia có chủ quyền. 

Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc ngày càng nghi ngờ về các ý định của Mỹ, cho rằng, Mỹ và các đồng minh đang tìm cách kiềm chế Trung Quốc, nhà phân tích chính trị Zhao Chu nhận định. Ông Zhao cho rằng, Bắc Kinh nên đóng vai trò tích cực hơn, nên cho phép các lực lượng vũ trang chiến đấu bên cạnh quân đội Mỹ và học hỏi từ họ. 

Một số quan chức Trung Quốc nói rằng, xét về mặt thực tế, Trung Quốc không thể giúp gì nhiều trong cuộc chiến chống IS. “Năng lực quốc tế của chúng tôi hạn chế”, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Iran, ông Hua Liming, nói.

Trung Quốc không thể tổ chức các đợt xuất kích ném bom vì nước này không có căn cứ không quân trong hoặc gần khu vực. Trung Quốc cũng không có tàu sân bay đúng nghĩa. 

Việc gửi quân tới hỗ trợ quân đội Iraq là “vượt xa trí tưởng tượng”, ông Hua nói. Trung Quốc chưa bao giờ gửi quân tới khu vực. Trong khi đó, Mỹ đã loại trừ khả năng gửi quân tới Iraq hoặc Syria, chỉ tiến hành không kích. 

Theo Tiền phong

;
.
.
.
.
.