Scotland sẽ trở thành quốc gia độc lập hay tiếp tục ở lại Liên hiệp Vương quốc Anh? Điều này được chính người Scotland quyết định trong cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý ngày 18-9.
Chiến dịch kêu gọi độc lập diễn ra tại thành phố Glasgow của Scotland. Ảnh: Getty Images |
Hơn 2.600 điểm bỏ phiếu trên toàn lãnh thổ Scotland mở cửa từ 7 giờ ngày 18-9 và đóng cửa lúc 22 giờ. Trong 15 tiếng đồng hồ, cử tri trả lời câu hỏi “Scotland có nên là một quốc gia độc lập không?”, để quyết định số phận của “cuộc hôn nhân” đã duy trì suốt 307 năm qua. Song, theo các nhà quan sát, điều quan trọng hơn là cuộc bỏ phiếu có thể tạo ra một quốc gia mới nhất của châu Âu và làm suy yếu châu lục già cỗi này.
Ông Alex Salmond, Thủ hiến Scotland, cũng là Chủ tịch Đảng Dân tộc Scotland (SNP) gọi cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý là cơ hội lịch sử để cử tri tự lựa chọn tương lai của đất nước. “Tương lai của Scotland phải do người Scotland quyết định”, ông Salmond nói tại thành phố Perth, cách London 740km về phía bắc. Nhiều năm nay, SNP đã phát động chiến dịch đòi độc lập cho Scotland.
Theo Reuters, 5 cuộc thăm dò ngay trước khi bỏ phiếu đều cho thấy, sự chênh lệch giữa hai lựa chọn “tách ra” hay “ở lại” rất sít sao, với tỷ lệ lần lượt là 48% và 52%. Vì vậy, số phận của Vương quốc Anh phụ thuộc vào khoảng 600.000 cử tri còn do dự trong số 4,3 triệu cử tri Scotland tham gia bỏ phiếu. Và quả thật rất khó dự đoán về kết quả trưng cầu dân ý. Điều nhận thấy rất rõ là chính người Scotland đang bị chia rẽ, giữa một bên ủng hộ độc lập và một bên phản đối. Reuters dẫn lời một cử tri cho rằng, đã đến lúc phải tách khỏi Anh và cũng gọi “đây là ngày lịch sử với Scotland”.
Thủ tướng Anh David Cameron cảnh báo về “cuộc ly hôn đau đớn” nếu Scotland rời Vương quốc Anh. Theo ông, hàng triệu người xứ Wales, Bắc Ireland và cả nhiều người ở Scotland cũng đau lòng nếu khối liên kết này tan rã. Thực tế, nếu cử tri chọn độc lập, vị Thủ tướng đương nhiệm sẽ phải từ chức và câu hỏi đặt ra là vị thế của Vương quốc Anh, nền kinh tế lớn thứ 6 của thế giới và có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ, sẽ như thế nào trên trường quốc tế. Vương quốc Anh sẽ mất 1/3 diện tích đất, 8% dân số, 10% doanh thu thuế... Đó là chưa kể chiến dịch đòi độc lập cho Scotland sẽ khuyến khích các phong trào ly khai ở nhiều nơi trên thế giới, chẳng hạn như vùng đất Catalans ở Tây Ban Nha, Kashmir ở Ấn Độ…
Dẫn đầu chiến dịch “Khóc cho liên minh”, cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown nhấn mạnh rằng, chủ trương Scotland độc lập chính là đưa vùng đất này vào “chiếc bẫy” mà không thể thoát ra được. Ông Brown kêu gọi: Hãy nói với bạn bè của bạn về lý do của sự đoàn kết, chia sẻ, tự hào ở Scotland, và câu trả lời duy nhất là “không”!
Trong khi đó, các đồng minh của Anh thúc giục người Scotland ở lại Vương quốc Anh. Tổng thống Mỹ Barack Obama kỳ vọng một liên minh vẫn được duy trì mạnh mẽ và thống nhất. Còn cựu Thủ tướng Ý Enrico Letta nói rằng, nếu cử tri trả lời “có” thì chẳng khác gì cổ vũ cho những người muốn nước Anh rời khỏi EU, vì Anh là một trong những trụ cột của thị trường chung châu Âu.
Kết quả trưng cầu dân ý sẽ được công bố vào hôm nay (19-9).
THIÊN BÌNH