.

Ebola đe dọa sự tồn vong của các nhà nước

.

ĐNĐT - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa cảnh báo, đại dịch Ebola đe dọa “chính sự tồn tại” của các xã hội và sẽ dẫn tới sụp đổ các nhà nước.

Các nhân viên y tế là những người có nguy cơ lây nhiễm Ebola cao nhất.  Ảnh: BBC
Các nhân viên y tế là những người có nguy cơ lây nhiễm Ebola cao nhất. Ảnh: BBC

Tổng giám đốc WHO, Margaret Chan đã cảnh báo, đại dịch này đã giết chết 4.000 người tại Tây Phi, dẫn tới “cuộc khủng hoảng đến hòa bình và an ninh quốc tế”.

Bà Chan cũng cảnh báo, cái giá của sự hoảng loạn “lan truyền nhanh hơn cả virus”.

Trong một bài phát biểu tại một hội nghị ở Philippines, bà Chan cho biết, Ebola đã trở thành một nguy cơ mang tầm lịch sử. Bà cho rằng, chưa từng thấy một sự kiện y tế nào đe dọa sự tồn vong của các xã hội và chính phủ tại các nước vốn đã nghèo đói.

“Tôi chưa từng thấy một bệnh truyền nhiễm nào đóng góp mạnh mẽ vào sự sụp đổ tiềm tàng của nhà nước như vậy”.

Theo đó, bà cảnh báo tác động kinh tế của “các tin đồn và sự hoảng loạn còn nhanh hơn cả virus” khi dẫn ra ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) rằng, 90% chi phí của đại dịch sẽ tăng lên từ “các nỗ lực phi lý của cộng đồng nhằm tránh lây nhiễm”.

Bà Chan cũng chỉ trích các hãng dược vì đã không tập trung vào Ebola; bà lên án một “nền công nghiệp vì lợi nhuận vốn không đầu tư vào các sản phẩm cho các thị trường không chi trả”.

Cũng trong bài phát biểu trên, bà Chan cảnh báo, các nước Đông Á-Thái Bình Dương phải đẩy mạnh việc phòng bệnh Ebola và nhấn mạnh cả thế giới có thể đang có nguy cơ.

Khu vực này hiện có 1,8 tỉ dân và từng là điểm nóng của nhiều bệnh dịch như SARS, cúm gà…

“Nói một cách đơn giản nhất, đại dịch này cho thấy cách mà các mầm bệnh chết người trên trái đất có thể nhằm vào bất kỳ điểm yếu nào của hạ tầng y tế”, bà Chan phát biểu.

Quang Hiển (Theo BBC, CNA)

;
.
.
.
.
.