.

LHQ lên án việc kỳ thị người chăm sóc bệnh nhân Ebola

.

Sau khi một loạt tiểu bang Mỹ ban hành biện pháp cách ly bắt buộc nhắm vào tất cả những ai đã tiếp cận với những bệnh nhân bị Ebola, tranh cãi đã bùng lên.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon vào hôm 27-10 đã chính thức lên tiếng kêu gọi đình chỉ các biện pháp "xoi mói" nhắm vào những người này, chủ yếu là nhân viên y tế tình nguyện đã không ngại hiểm nguy qua Tây Phi tham gia công tác ngăn chặn dịch bệnh.

Ông Ban Ki Moon kêu gọi đình chỉ các biện pháp nhắm vào những người tình nguyện tham gia công tác phòng chống Ebola - REUTERS
Ông Ban Ki Moon kêu gọi đình chỉ các biện pháp nhắm vào những người tình nguyện tham gia công tác phòng chống Ebola - REUTERS

Phát biểu tại Addis Abeba, thủ đô Ethiopia ở châu Phi, nơi ông đang ghé thăm, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã nhận định: "Họ là những con người phi thường, dám hy sinh thân mình để giúp đỡ nhân loại. Họ không thể bị áp đặt những hạn chế mà không có cơ sở khoa học".

Ông Ban Ki Moon nói tiếp: "Họ không nên bị kỳ thị vì đã xả thân cống hiến. Chúng ta cần đến những con người như vậy để giành chiến thắng trong trận chiến này. Xin quý vị đừng cách ly họ để kiểm dịch chỉ vì họ đã tình nguyện làm việc ở các nước bị Ebola tác hại".

Một ví dụ cụ thể về hiện tượng bị Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc vạch trần là trường hợp một nữ y tá Mỹ vừa từ Sierra Leone trở về nước. Cô đã bị lập tức cách ly vào hôm 24-10 cho dù hoàn toàn không có triệu chứng mắc bệnh nào. Cô đã lên tiếng tố cáo tình trạng bị đối xử "như một kẻ tội phạm" khi đặt chân xuống New Jersey.

Nhiều nhà quan sát lo ngại rằng các biện pháp cách ly bắt buộc như trên sẽ làm nản chí những ai sẵn sàng qua châu Phi giúp chống bệnh Ebola.

Phải nói rằng sau khi phát hiện trường hợp đầu tiên của một bác sĩ ở New York bị nhiễm Ebola, các tiểu bang New York và New Jersey đã ban hành ngay từ hôm 24-10 chế độ cách ly bắt buộc đối với tất cả những ai có tiếp xúc với bệnh nhân Ebola ở Tây Phi, ngay cả trong trường hợp không có triệu chứng. Hai hôm sau, đến lượt tiểu bang Illinois có quyết định tương tự.

Phản ứng chống lại chế độ cách ly bắt buộc đo đã bùng lên, buộc tiểu bang New York phải giảm nhẹ biện pháp đã ban hành, trong lúc giới chức y tế Mỹ cũng loan báo những biện pháp mới để kiểm tra những người từ vùng dịch bệnh trở về, trong đó không có việc áp đặt chế độ cách ly.

Tác động của dịch bệnh Ebola tại châu Phi ngày càng rõ nét hơn, đặc biệt trong chính sách di dân của một số nước phương Tây.

Úc đã công bố một loạt biện pháp để hạn chế nhập cư từ các nước bị Ebola ảnh hưởng, nhằm ngăn chặn sự xuất hiện của virus trên lãnh thổ của mình.

Bỉ thì quyết định tạm hoãn thi hành trong một vài tuần lễ tất cả các quyết định trục xuất người nhập cư bất hợp pháp đến từ các nước châu Phi đang bị dịch Ebola. Lý do là Bỉ không muốn nhân viên cảnh sát của họ đi áp tải những người này bị nguy hiểm.

Riêng Triều Tiên thì không một người quay phim Tây Ban Nha nhập cảnh vì sợ Ebola.

Theo RFI

;
.
.
.
.
.
.