.

Nhân tố cốt lõi của cuộc chiến chống IS

.

Hành động dã man, tàn bạo và mối nguy hiểm của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã và đang đe dọa đối với hòa bình và an ninh ở khu vực Trung Đông nói riêng, thế giới nói chung là điều không ai phủ nhận. Tuy nhiên, để triệt tiêu mối đe dọa của IS vẫn là bài toán vô cùng hóc búa đối với Mỹ và các đồng minh.

Alan Henning bị IS hành quyết.			Ảnh: DailyMail
Alan Henning bị IS hành quyết. Ảnh: DailyMail

Hiện nay, Mỹ và các đồng minh đang tiến hành một cuộc chiến chống IS bằng các cuộc không kích nhằm triệt tiêu các cơ sở hạ tầng, nhất là nguồn lực tài chính cũng như các thủ lĩnh hàng đầu của lực lượng này. Hay nói cách khác, là Mỹ và đồng minh đang tiến hành cuộc chiến tranh từ trên trời chống IS.

Ưu điểm của cuộc chiến kiểu này là chỉ tốn tiền chi phí cho các máy bay trinh sát, tiến hành các cuộc không kích và bom đạn; không bị tổn thất về nhân mạng. Đặc biệt là dễ dàng rút lui, không bị sa lầy như các cuộc chiến mà Mỹ và các đồng minh tiến hành vào những năm đầu của thế kỷ XXI tại Afghanistan và Iraq.

Nhưng lỗ hổng nghiêm trọng là khó có thể triệt tiêu toàn bộ mạng lưới rộng khắp của IS đã xây dựng trong nhiều năm qua trên một vùng đất rộng lớn giữa hai quốc gia Iraq và Syria.

Một bài học thực tế cho thấy, khi Mỹ và đồng minh quyết định rút quân khỏi Afghanistan và đồng thời tiến hành cuộc chiến chống Taliban ở cả Afghanistan lẫn Pakistan bằng các cuộc không kích do máy bay không người lái thực hiện, tuy có giết được một số thủ lĩnh, nhưng Taliban vẫn hiện hữu. Hơn thế, Taliban vẫn tiếp tục phát triển và là lực lượng mạnh, đang ngày càng củng cố vị trí chính trị lẫn quân sự làm đối trọng với chính quyền của hai quốc gia này.

Cho nên, cuộc chiến bằng không quân chống IS do Mỹ đứng đầu thực ra mới chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề. Điều sâu xa là phải làm sao để cho sức mạnh tại chỗ đủ năng lực để kìm hãm, ngăn chặn và đi đến tiêu diệt IS.

Đây là bài toán vô cùng gai góc cho Mỹ và phương Tây.

Bởi cuộc chiến tranh gần 10 năm tại Iraq, Mỹ và phương Tây đã không triệt tiêu được cái mà chính quyền G.W.Bush khi phát động là nhằm “tiêu diệt khủng bố và tiêu hủy kho vũ khí hóa học” của Tổng thống Saddam Hussen. Ngược lại đã nhen nhóm cho một lực lượng Thánh chiến tàn độc hơn Al-Qaeda, là IS. Hơn thế, chính quyền do Mỹ xây dựng ở Iraq mấy năm qua không đủ sức mạnh để giải quyết vấn đề của nội bộ vì lâm vào những mâu thuẫn về quyền lực; đồng thời quân đội cũng không đủ năng lực để chống chọi các cuộc tấn công khủng bố diễn ra triền miên, nhất là với lực lượng IS hiện nay.

Trong khi đó, một nước láng giềng của Iraq là Syria lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị dưới danh nghĩa đòi “tự do, dân chủ” của phe đối lập suốt mấy năm qua và trở thành một cuộc nội chiến đẫm máu, làm cho hàng vạn người thiệt mạng, hàng triệu người phải đi tị nạn. Lợi dụng cơ hội này, IS phát triển lực lượng, hình thành một Nhà nước Hồi giáo cực đoan và tiến hành một cuộc chiến tranh tổng lực nhằm vào cả Syria lẫn Iraq.

Do vậy, khi Mỹ và đồng minh phát động một cuộc chiến tranh từ trên trời chống IS thì ngay trên mặt đất, hai quốc gia này cũng đang rơi và tình trạng nội chiến, nội bộ bị phân hóa về nhiều mặt, nhất là sắc tộc, tôn giáo thì làm sao đủ mạnh để chống chọi hay triệt tiêu IS?

Nếu như chính quyền Iraq là đồng minh nhất quán với Mỹ thì Syria lại là bài toán vô cùng khó khăn. Ở một quốc gia đang trong tình trạng nội chiến, Mỹ ủng hộ ai và như thế nào để hình thành nên một quốc gia đủ mạnh để chiến đấu với đội quân tàn bạo và thiện chiến là chuyện không đơn giản. Đó là chưa nói đến những nhập nhằng giữa các phe phái khác nhau ở Syria, thì sự ủng hộ của Mỹ và phương Tây dễ biến thành chiếc bánh ngon cho những kẻ tàn bạo lợi dụng, khai thác.

Cuối tuần qua, tại Pháp, một hội nghị quốc tế để thảo luận về các biện pháp quân sự nhằm tiêu diệt IS, với sự tham gia của các phái đoàn châu Âu, các quốc gia Ả Rập, 5 nước thành viên thường trực HĐBA, đại diện EU, Liên đoàn Ả Rập. LHQ đã đưa ra một tuyên bố chung chống IS, nhưng lại không đề cập vai trò của chính quyền Syria do Tổng thống  Bashar al-Assad  đứng đầu.

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir- Adbollahian đã có lý khi nói với một nghị sĩ người Pháp bên lề hội nghị rằng : “Cách tốt nhất để chiến đấu với IS và chủ nghĩa khủng bố trong khu vực là giúp đỡ và củng cố các chính quyền Iraq, Syria, các quốc gia đang tham chiến trong cuộc đối đầu chống lại chủ nghĩa khủng bố”.

Nhưng diễn biến trên ở khu vực Trung Đông cho dư luận thấy một điều khá thú vị nhưng vô cùng oái oăm là Tổng thống Mỹ Obama, được xem là một người không thích chiến tranh, lại phải lâm trận, mà lại phải lao vào một khu vực mà ông từng muốn rút người Mỹ đi. Tệ hại hơn nữa là ông lại đề ra một mục tiêu quá cao là triệt hạ tổ chức Nhà nước Hồi giáo, điều có lẽ khó có thể làm được với chiến dịch không kích đơn thuần, mà phải dùng đến quân lính trên bộ, và nhất là xây dựng lại được hai quốc gia đang rệu rã là Iraq và Syria.

Vậy đâu là bài toán hữu hiệu mà dư luận quốc tế đang trông chờ từ Mỹ và phương Tây đưa ra để triệt tiêu những hiểm họa khôn lường của IS? Thực ra, nó không quá xa vời, nhưng do các mối quan hệ nhập nhằng mà Mỹ và các đồng minh tính toán thiệt hơn ở địa bàn chiến lược này nên nó vẫn còn ở phía trước xa vời mà thôi!

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.