.

Số phận công dân Nhật Bản bị bắt cóc: Nhật Bản kêu gọi Triều Tiên điều tra

.

Nhật Bản cho rằng, CHDCND Triều Tiên cần xem việc điều tra về số phận của các công dân Nhật bị bắt cóc vào những năm 1970, 1980 và chưa được hồi hương là ưu tiên hàng đầu.

Ông Junichi Ihara dẫn đầu phái đoàn Nhật Bản đến sân bay quốc tế Sunan ở Bình Nhưỡng.   						                 Ảnh: AP
Ông Junichi Ihara dẫn đầu phái đoàn Nhật Bản đến sân bay quốc tế Sunan ở Bình Nhưỡng. Ảnh: AP

Cuộc đàm phán giữa Nhật Bản và CHDCND Triều Tiên lần đầu tiên trong 10 năm qua về vấn đề bắt cóc diễn ra ở Bình Nhưỡng vào ngày 28-10. Phái đoàn Nhật Bản, do ông Junichi Ihara - Vụ trưởng Vụ các vấn đề châu Á và châu Đại dương của Bộ Ngoại giao Nhật Bản - dẫn đầu lưu lại quốc gia phía Bắc trên bán đảo Triều Tiên 4 ngày.

Đây cũng là lần đầu tiên trong 10 năm một phái đoàn Nhật chính thức đến Bình Nhưỡng. Sự kiện này được tiến hành sau khi Tokyo nới lỏng các biện pháp cấm vận CHDCND Triều Tiên, bởi Bình Nhưỡng cam kết sẽ xem xét lại vấn đề bắt cóc.

Theo AP, vấn đề bắt cóc là trở ngại chính làm “đóng băng” quan  hệ giữa Nhật Bản và CHDCND Triều Tiên. Đến nay, hai nước vẫn chưa có quan hệ ngoại giao chính thức.

Sau nhiều năm bác bỏ, năm 2002, tại Hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il và Thủ tướng Nhật Bản lúc đó là ông Junichiro Koizumi, Bình Nhưỡng thừa nhận rằng các cơ quan nước này đã bắt cóc 13 công dân Nhật, chủ yếu để đào tạo gián điệp. Cũng trong năm 2002, Bình Nhưỡng cho phép 5 công dân Nhật về nước và cho biết, những người khác đã qua đời.

Tuy nhiên, Tokyo không tin điều này và cho rằng, hàng trăm người có thể đã bị bắt cóc và một số người vẫn còn sống. Theo một thống kê, Tokyo nói rằng, có 17 người bị bắt cóc, sau đó đưa ra thông tin cho biết có đến hơn 800 người vẫn có trong danh sách mất tích, nhưng Bình Nhưỡng bác bỏ thông tin này. Các nhà quan sát nhận định: Với những con số khác nhau như vậy, vấn đề trở nên phức tạp.

Sau nhiều năm vấn đề bắt cóc công dân Nhật rơi vào bế tắc, tháng 5 vừa qua, CHDCND Triều Tiên bất ngờ đồng ý tiến hành điều tra vụ việc này. Đổi lại, Nhật Bản phải nới lỏng các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng xung quanh chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Sự thay đổi quan điểm của Bình Nhưỡng được xem là bước đột phá. Tuy nhiên, tiến trình điều tra lại diễn ra chậm chạp, không như Tokyo mong đợi.

Tháng 9 vừa qua, ông Junichi Ihara và người đồng cấp CHDCND Triều Tiên Song Il Ho có cuộc gặp gỡ tại thành phố Thẩm Dương, phía tây bắc Trung Quốc. Phía Tokyo hy vọng nhận được báo cáo sơ bộ về cuộc điều tra nhưng không hề có hồi đáp nào từ Bình Nhưỡng.

AP dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng, việc giải quyết vấn đề bắt cóc là ưu tiên hàng đầu của chính phủ nước ông. Nhà lãnh đạo này cũng cam kết theo đuổi vụ việc này cho đến khi tất cả những người bị bắt cóc trở về Nhật. Ông Abe luôn hy vọng một phái đoàn cấp cao của Nhật sẽ tạo ra sự đột phá, mở ra hy vọng tìm kiếm câu trả lời về số phận của những công dân mất tích.

Trường hợp của Megumi Yokota, được cho là bị các cơ quan của CHDCND Triều Tiên bắt cóc trên đường từ trường về nhà vào năm 1977, lúc đó cô mới 13 tuổi. Phía Bình Nhưỡng nói rằng, Yokota đã tự sát vào năm 1994 sau khi kết hôn với một người Hàn Quốc và có một người con gái. Năm 2004, các xét nghiệm ADN cho thấy hài cốt của người chết không phải là Yokota. Nhiều năm qua, cha mẹ của Yokota đã kêu gọi điều tra những gì đã xảy ra đối với con gái của họ.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.