.

Tập Cận Bình tiếp tục mạnh tay 'trảm' quan tham

.

Số quan chức “ngã ngựa” trong vòng hai năm dưới thời Tập Cận Bình đã vượt quá con số của các khóa trước.

Tập Cận Bình mạnh tay trong việc truy quét
Tập Cận Bình mạnh tay trong việc truy quét "quan tham"

Theo tin tức tờ Văn Hối (Hồng Kông), tại Hội nghị trung ương (TƯ) lần thứ 4 đang diễn ra tại Bắc Kinh, Tổng bí thư Tập Cận Bình nhấn mạnh về việc áp dụng pháp quyền và nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong giai đoạn mới.

Quan điểm về pháp quyền trong lãnh đạo đất nước đã được người đứng đầu Trung Quốc nêu trong 16 chữ: “Lập pháp khoa học, hành pháp nghiêm khắc, tư pháp công minh, toàn dân tuân thủ”. Đây được cho là phương châm pháp quyền mới của Trung Quốc trong giai đoạn mới, theo các nhà nghiên cứu.

Trước đó, ngày 4.12.2012, sau khi vừa nhận chức Tổng bí thư, trong dịp kỷ niệm 30 năm thực hiện hiến pháp mới của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã đề nghị triển khai chế độ hóa và pháp chế hóa mọi sinh hoạt của đời sống xã hội và đất nước nhằm tạo điều kiện xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.

Ngoài ra, ông đề nghị lập pháp phải thật sự khoa học và tạo điều kiện của người dân tham gia vào công tác này. Trong các lần chỉ đạo hội nghị của Ủy ban cải cách hành chính ông đều đề nghị làm rõ quan hệ giữa lập pháp và cải cách.

Các nhà quan sát cho rằng đây là hành động của ông Tập muốn sử dụng pháp luật để xử lý các tiêu cực đang còn tồn tại, đặc biệt là nạn tham nhũng của quan chức từ trung ương đến địa phương.

Trong việc tuân thủ pháp luật, quan điểm của ông Tập Cận Bình là sẽ “không có ngoại lệ”.

Trong hội nghị lần này, ông cho rằng, tuân thủ pháp luật là nghĩa vụ của mọi công dân và yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật và cán bộ lãnh đạo phải là người đi đầu trong việc thực thi pháp luật. Quan điểm trên của ông được đánh giá là mạnh mẽ, để xử lý các nhân vật cao cấp.

Trong thời gian 2 năm sau khi cầm quyền ông đã mạnh tay xử lý quan chức vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, cụm từ thường dùng để chỉ liên quan đến tham nhũng, trong đó có cả những nhân vật trong Bộ chính trị như Chu Vĩnh Khang hay Từ Tài Hậu.

Một nhà nghiên cứu cho rằng, số quan chức “ngã ngựa” trong vòng hai năm dưới thời Tập Cận Bình đã vượt quá con số của các khóa trước. Điều này cho thấy, hội nghị trung ương lần này là bước đi tiếp theo của ông Tập trong việc xử lý các quan chức dính líu đến tham nhũng nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản Trung Quốc trong thời kỳ mới.

Theo Thanh niên

;
.
.
.
.
.