.

Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến chống IS

.

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 2-10 bật đèn xanh đối với việc trển khai lực lượng vũ trang chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria.

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismet Yilmaz. Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismet Yilmaz. Ảnh: Reuters

Nghị quyết được thông qua bởi 298 nghị sĩ ủng hộ và 98 người phản đối. Theo đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được phép triển khai quân đội chống lại các mối đe dọa từ “các nhóm khủng bố” ở Iraq và Syria như phiến quân người Kurd ở miền Bắc Iraq, lực lượng Tổng thống Syria Bashar al-Assad... Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho phép quân đội nước ngoài đồn trú bên trong lãnh thổ, nằm trong một phần chiến dịch trấn áp IS cùng các tổ chức Hồi giáo cực đoan khác.

Ngoài ra, Mỹ sẽ được sử dụng căn cứ không quân tại Incirlik, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ để phục vụ các cuộc không kích.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismet Yilmaz không ấn định ngày xuất quân. Đồng thời, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang do dự và dường như chưa muốn hành động.

Căn cứ không quân tại Incirlik, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: EPA
Căn cứ không quân tại Incirlik, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: EPA

Chính quyền Ankara phải gấp rút đưa ra quyết định vì các chiến binh IS chỉ còn cách thị trấn chiến lược Kobane của người Kurd, nằm trên biên giới giáp Thổ Nhĩ Kỳ, vài km. Điều này cũng làm dấy lên lo ngại lực lượng quân đội đặc biệt Thổ Nhĩ Kỳ đang bảo vệ lăng mộ của Suleyman Shah, ông nội Osman I - người sáng lập ra Đế quốc Ottoman, sẽ gặp nguy hiểm. Ngôi mộ nằm trên một vùng đất nhỏ cách 30 km về phía Nam biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo số liệu mới nhất của Liên Hiệp Quốc (LHQ) công bố ngày 2-10, hơn 5.500 người đã thiệt mạng tại Iraq kể từ khi cuộc tấn công của Nhà nước Hồi giáo bắt đầu vào tháng 6, bao gồm hàng trăm người Yazidis thiểu số bị giết chết trong các vụ hành quyết hàng loạt.

Tính chung trong năm 2014, ít nhất 26.000 người thương vong tại Iraq sau các cuộc xung đột, trong đó 9.343 trường hợp thiệt mạng là dân thường.

Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ ở biên giới giáp Syria, cách IS chỉ vài km. Ảnh: AP
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ ở biên giới giáp Syria, cách IS chỉ vài km. Ảnh: AP

Báo cáo cũng đề cập đến các hành vi “bạo lực cực đoan và tấn công tình dục đối với phụ nữ, trẻ em” của IS, đáng lên án hơn cả là hành động bắt trẻ em tham gia hàng ngũ chiến binh thánh chiến, bắt làm nô lệ tình dục.

Ngoài việc giết hại dân thường, Nhà nước Hồi giáo còn nhận trách nhiệm xử tử 1.500 binh lính và nhân viên an ninh Iraq tại một căn cứ quân sự chiếm được vào tháng 6. Nickolay Mladenov, đặc phái viên LHQ tại Iraq, mô tả: “Báo cáo này thật đáng sợ”.

Trong khi đó, LHQ lên án các vụ không kích bừa bãi của chính phủ Iraq khiến người dân vô tội thiệt mạng. Hồi tháng 8, các nhóm vũ trang hỗ trợ chính phủ đã bắn vào các tín đồ tại một nhà thờ Hồi giáo Sunni, làm 34-68 người thiệt mạng. Ông Mladenov lưu ý hàng trăm vụ giết hại dân thường khác cũng xảy ra nhưng chưa được xác minh cụ thể.

NLĐO

;
.
.
.
.
.