Với 278 đề cử, trong đó có Edward Snowden - cựu nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), giải Nobel Hòa bình năm nay được cho là khó dự đoán. Giải thưởng sẽ được công bố vào hôm nay (10-10).
Edward Snowden (trái) và Malala Yousafzai là những ứng viên sáng giá của giải Nobel Hòa bình 2014. Ảnh: Reuters/AP |
Việc Edward Snowden tiết lộ vụ nghe lén gây chấn động của NSA đã làm chính phủ Mỹ đối mặt với nhiều chỉ trích. Theo đó, Snowden là một trong những ứng viên hàng đầu của giải Nobel Hòa bình, do hai thành viên Quốc hội Na Uy đề cử. Với một số quốc gia, Snowden là người hùng; nhưng với một số quốc gia khác, nhất là với Mỹ, anh là “kẻ tội đồ”. Vì vậy, Snowden sẽ là sự lựa chọn gây nhiều tranh cãi cho giải thưởng trị giá 1,11 triệu USD. “Việc trao giải thưởng cho Snowden sẽ là hành động dũng cảm”, AFP dẫn lời Giám đốc tổ chức Người bảo vệ dân sự Robert Haardh nói. Snowden hiện sống lưu vong ở Nga để trốn lệnh truy nã của Mỹ.
Một đề cử đáng chú ý khác là Malala Yousafzai, nữ sinh ở thị trấn Mingora, huyện Swat, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa của Pakistan. Malala được biết đến với hoạt động nữ quyền, trong đó có việc đòi quyền được đi học cho các bé gái tại thung lũng Swat cũng như trên khắp thế giới. Vì vậy, Taliban đã bắn làm bị thương Malala vào năm 2012.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, dù vấn đề nữ quyền đang được đặt ra (chẳng hạn nhóm Boko Haram bắt cóc hàng loạt nữ sinh ở Nigeria vào tháng 4 vừa qua, việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ngược đãi phụ nữ ở Iraq và Syria), nhưng vẫn có những lý do để Ủy ban Nobel không lựa chọn Malala. Thứ nhất, Malala còn quá trẻ (17 tuổi). Thứ hai, chính cô gái này đã nói rằng, cô chưa xứng đáng với giải Nobel Hòa bình.
Trong lúc đó, Nobeliana.com, trang web do các nhà sử học Nobel Na Uy hàng đầu điều hành, xếp Malala là ứng viên hàng đầu, trên cả Snowden.
Còn với ông Kristian Berg Harpviken, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo (PRIO), một chuyên gia phân tích hàng đầu về giải Nobel Hòa bình, ứng viên sáng giá nhất là “Những người Nhật Bản bảo vệ Điều 9 (Hiến pháp)” - nhóm hòa bình gồm những người muốn giữ lại hiến pháp chống chiến tranh của quốc gia châu Á này. Tiếp đến là Snowden. Vị trí thứ ba được ông Harpviken lựa chọn là Novaya Gazeta, một trong số ít tờ báo độc lập hiện nay ở Nga.
Ngoài ra, theo AFP, những cái tên khác cũng được nhắc đến như: Giáo hoàng Francis, bác sĩ người Congo Denis Mukwege, v.v… Nếu được lựa chọn, Giáo hoàng Francis sẽ là vị giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử được nhận giải Nobel Hòa bình về việc duy trì hòa bình quốc tế bằng quan điểm rõ ràng đối với cuộc xung đột ở Syria.
Tổng thống Nga Vladimir Putin được Học viện Quốc tế Hữu nghị và hợp tác của Nga đề cử giải thưởng cao quý này vì ông đã nỗ lực ngăn chặn cuộc không kích của Mỹ chống lại chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Năm ngoái, giải Nobel Hòa bình được trao cho Tổ chức Cấm vũ khí hóa học. Năm 2012, giải thưởng này thuộc về Liên minh châu Âu (EU).
THIÊN BÌNH