.

Tổng thống Obama kêu gọi Myanmar tiến hành bầu cử toàn dân

.

ĐNĐT - Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi một tiến trình bầu cử "toàn diện và minh bạch" vào năm tới tại Myanmar.

Tổng thống
Tổng thống Thein Sein

Ông Obama đưa ra nhận định trong cuộc hội đàm qua điện thoại với ông Thein Sein, trong đó hai bên cũng thảo luận về chuyến thăm của Tổng thống Mỹ đến Myanmar vào tháng tới, Nhà Trắng cho biết hôm thứ Năm (30-10).

"Tổng thống Obama hoan nghênh cam kết của Tổng thống Thein Sein và chính phủ của ông về tiến trình hòa bình và cho biết mọi nỗ lực cần được thực hiện để đạt được một thỏa thuận ngừng bắn quốc gia trong ngắn hạn," tuyên bố nói.

Obama "nhấn mạnh sự cần thiết cho một quá trình toàn diện và minh bạch để tiến hành các cuộc bầu cử năm 2015" và khẳng định Washington "cam kết sẽ giúp Myanmar trở thành một quốc gia tự do hơn, cởi mở, và thịnh vượng".

Ông Obama cũng đề nghị ông Thein Sein có "bước bổ sung" để mang lại hòa bình cho các bang miền tây Rakhine, nơi hai làn sóng bạo lực chết người diễn ra vào năm 2012 giữa nhóm theo Phật giáo và dân tộc thiểu số Rohingya theo đạo Hồi, khiến khoảng 200 người chết và gần 140.000 người phải di tản, chủ yếu là người Rohingya.

Ông Thein Sein đã triệu tập một cuộc họp vào ngày thứ Sáu (31-10) với quân đội và các đối thủ chính trị của ông, trong đó có bà Aung San Suu Kyi - lãnh tụ phe Đối lập của Myanmar, và là chủ tịch Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD).

Cuộc họp này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi chính quyền Myanmar tuyên bố cuộc tổng tuyển cử sắp tới sẽ được tổ chức vào tuần đầu tiên hoặc tuần cuối cùng của tháng 11 năm 2015.

Chính phủ bán dân sự Thein Sein đã cam kết rằng cuộc bầu cử sẽ là tự do nhất trong lịch sử hiện đại của đất nước, nơi quân đội chuyển giao quyền lực trực tiếp cách đây ba năm.

Tổng thống Obama cũng đã nói chuyện với bà Suu Kyi về các cuộc bầu cử sắp tới, và làm thế nào Washington có thể "hỗ trợ các nỗ lực để thúc đẩy sự khoan dung, tôn trọng sự đa dạng và một môi trường chính trị toàn diện hơn", Nhà Trắng cho biết.

Cuộc tổng tuyển cử cuối cùng của Myanmar trong năm 2010 đã gặp trở ngại bởi những cáo buộc gian lận.

Kể từ đó, ông Thein Sein đã thực hiện một số cải cách đáng kể, và bà Suu Kyi đã bước vào quốc hội.

Đảng của bà Suu Kyi dự kiến sẽ giành một số lượng ghế trong cơ quan lập pháp, và quốc hội sẽ lựa chọn người làm tổng thống.

Nhưng bà Suu Kyi (69 tuổi) - người đã trải qua hơn một thập kỷ bị quản thúc tại gia - hiện bị hiến pháp cấm đảm nhận chức vụ cao cấp. Theo hiến pháp Myanmar, mọi công dân Myanmar có vợ/chồng hoặc con là người nước ngoài đều không được phép trở thành tổng thống. Trong khi chồng và hai con trai của bà Suu Kyi mang quốc tịch Anh.

ĐNĐT (theo AFP)
 

;
.
.
.
.
.
.