.

ASEAN đối phó các thách thức cấp bách

.

Các thách thức cấp bách được đặt ra đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bao gồm: tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và phòng chống dịch Ebola.

Lãnh đạo các nước ASEAN tại phiên họp toàn thể ngày 12-11. Ảnh: AP
Lãnh đạo các nước ASEAN tại phiên họp toàn thể ngày 12-11. Ảnh: AP

Những vấn đề nói trên được đề cập tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 25, khai mạc ngày 12-11 tại thủ đô Naypyitaw của Myanmar. Đây là lần đầu tiên Myanmar giữ vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN kể từ khi nước này tham gia khối vào năm 1997.

Chống khủng bố và dịch Ebola

Theo dự thảo Tuyên bố Naypyitaw, các nhà lãnh đạo Đông Nam Á cam kết thực hiện “tất cả biện pháp cần thiết để ngăn chặn các tay súng từ các nước thành viên ASEAN gia nhập những nhóm khủng bố”. Sự trỗi dậy của IS với nỗ lực chiêu mộ lực lượng từ những quốc gia có đông người Hồi giáo như Indonesia và Malaysia cũng là vấn đề được ASEAN bàn thảo.

Báo New Straits Times cho biết, tại Hội nghị Đông Á (EAS), Malaysia dự kiến đề xuất một tuyên bố về việc các tổ chức khủng bố và cực đoan ở Iraq cũng như Syria gia tăng bạo lực, sự tàn bạo. Hội nghị EAS diễn ra vào hôm nay (13-11) với sự tham dự của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cùng các nhà lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Nga và New Zealand.

Theo giới phân tích, nội dung chống khủng bố được xem là quan trọng đối với các nhà lãnh đạo ASEAN, bởi khối này vẫn chưa đưa ra lập trường chống các chiến binh cực đoan ở Iraq và Syria.

Một thách thức cấp bách khác là dịch Ebola, vốn làm ít nhất 13.000 người nhiễm bệnh và khoảng 5.000 người chết ở Tây Phi. Mặc dù Ebola chưa lan đến châu Á nhưng ASEAN bày tỏ quan ngại về dịch bệnh gây chết người này và các nhà lãnh đạo sẽ tái khẳng định tầm quan trọng về việc các nước thành viên sẵn sàng phát hiện, ngăn chặn, đối phó với các nghi nhiễm Ebola.

Vấn đề Biển Đông làm “nóng” diễn đàn

Theo Reuters, các nhà lãnh đạo sẽ bày tỏ quan ngại về căng thẳng gần đây trên Biển Đông, đồng thời thúc giục ASEAN và Trung Quốc nhanh chóng phối hợp, hướng tới việc sớm ký kết bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc pháp lý nhằm giảm xung đột trên Biển Đông.

Reuters dẫn lời Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh phát biểu tại Naypyitaw rằng, hiện Trung Quốc, Đài Loan và 4 nước ASEAN đang có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Điều này làm gia tăng quan ngại về việc tranh chấp sẽ leo thang thành xung đột. “Chúng tôi nhận thấy có một khoảng cách lớn giữa các cam kết chính trị với hành động thật sự, tình huống thực tế trên biển”, ông Lê Lương Minh nói.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết, ông sẽ có bài phát biểu tại diễn đàn ở Myanmar, trong đó nhấn mạnh vấn đề an ninh và đề cập về những động thái của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian gần đây. Một ngày trước đó, tại thủ đô Bắc Kinh, Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes kêu gọi Trung Quốc nên tập trung giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và luật quốc tế. “Không thể có việc một nước lớn hơn được quyền bắt nạt các nước nhỏ hơn”, ông Rhodes khẳng định.

Về phía Singapore, nước này cũng xem vấn đề tranh chấp lãnh hải là một trong những đe dọa lớn nhất đối với an ninh. Ngoại trưởng Singapore Minister K. Shanmugam đã xác nhận với báo giới như vậy. Theo đó, quốc đảo sư tử này sẽ thúc đẩy việc hướng tới bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.

Dù vấn đề tranh chấp Biển Đông được xem là chủ đề chính tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và Hội nghị EAS lần này, nhưng một số chuyên gia phân tích không kỳ vọng sẽ có sự đột phá nào, mà kết quả đạt được cao nhất chỉ là việc các nước kêu gọi giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp.

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 25 sẽ thông qua Tuyên bố Naypyitaw về tầm nhìn sau năm 2015 của Cộng đồng ASEAN, được lấy làm cơ sở cho lộ trình năm 2015 của khối.

Dự kiến Cộng đồng ASEAN sẽ có khoảng 600 triệu dân với GDP đạt 2.000 tỷ USD.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.
.