.

Căng thẳng Ấn Độ - Pakistan chi phối Hội nghị Nam Á

.

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan được cho là trở ngại lớn nhất đối với tiến trình phát triển của Hiệp hội Nam Á vì sự hợp tác khu vực (SAARC), bao gồm 8 nước: Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Nepal, Maldives, Pakistan và Sri Lanka.

Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif (giữa) đến thủ đô Kathmandu của Nepal để tham dự Hội nghị của SAARC. 			Ảnh: AP
Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif (giữa) đến thủ đô Kathmandu của Nepal để tham dự Hội nghị của SAARC. Ảnh: AP

Các nhà lãnh đạo SAARC ngày 26-11 nhóm họp tại thủ đô Kathmandu của Nepal nhằm thúc đẩy hòa bình của khu vực, nơi chiếm hơn 1/5 dân số thế giới. SAARC là diễn đàn để bàn thảo các vấn đề của khu vực, trong đó bàn về thương mại, an ninh…, nhưng thường bị phủ bóng bởi sự đối đầu giữa Ấn Độ và Pakistan. Lần nhóm họp này cũng không ngoại lệ.

AP cho biết, trong bài phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhắc lại các cuộc tấn công nhằm vào trung tâm tài chính Mumbai, kéo dài từ ngày 26-11 đến 29-11-2008 (tức cách đây tròn 6 năm), làm 166 người chết; thủ phạm được cho là các tay súng Pakistan. Sau các vụ tấn công, quan hệ giữa hai nước Nam Á này bị “đóng băng”.

Sự hiện diện của Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif tại lễ nhậm chức của ông Modi sau khi Đảng Bharatiya Janata giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử ở Ấn Độ hồi tháng 5 vừa qua làm dấy lên hy vọng về hòa bình giữa hai nước láng giềng. Tuy nhiên, hy vọng này vụt tắt khi New Delhi hoãn các cuộc đàm phán cấp cao vào tháng 8 nhằm phản ứng việc đại sứ Pakistan tại Ấn Độ đã có các cuộc thảo luận với lực lượng ly khai Kashmir.

New Delhi và Islamabad đã trải qua 3 cuộc chiến tranh kể từ khi giành độc lập từ Anh vào năm 1947, trong đó 2 cuộc chiến tranh liên quan đến Kashmir. Tháng 10 vừa qua, các cuộc giao tranh ở khu vực biên giới tranh chấp Kashmir với 20 người thiệt mạng càng làm tổn hại quan hệ giữa New Delhi và Islamabad.

Giờ đây, tại Hội nghị SAARC, Thủ tướng Sharif nhấn mạnh quan điểm của ông là hướng đến khu vực Nam Á không có tranh chấp, nơi mà thay vì chống lại nhau thì “chúng ta cùng đấu tranh chống nghèo đói, mù chữ, bệnh tật, suy dinh dưỡng và thất nghiệp”. Song, ngày 25-11, các quan chức Ấn Độ nói rằng, sự khác biệt giữa hai nước vẫn chưa được giải quyết khi Thủ tướng Modi không có cuộc gặp song phương với người đồng cấp Sharif như dự kiến.

Trong khi đó, AFP cho biết, ông Modi gặp gỡ song phương với tất cả các nhà lãnh đạo SAARC bên lề hội nghị, ngoại trừ ông Sharif. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Syed Akbaruddin, cả hai nhà lãnh đạo đã có những “trao đổi xã giao” sau khi đến Kathmandu nhưng không có cuộc gặp chính thức nào.

Các nhà phân tích cho rằng, cả Ấn Độ và Pakistan đều không sẵn sàng tìm kiếm đối thoại để xoa dịu căng thẳng. Trong bài viết trên báo Republica, cựu Thủ tướng Nepal Baburam Bhattarai cũng cho rằng, tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan phủ bóng lên SAARC. Trong khi đó, đối với việc tái khởi động tiến trình hòa bình, Thủ tướng Sharif khẳng định: “Quả bóng đang ở trong chân Ấn Độ”.

Còn Ấn Độ nói rằng, Pakistan cần cam kết “đối thoại có ý nghĩa” trước khi hai bên có thể gặp gỡ tại hội nghị. Như thế để thấy rằng, sự mất niềm tin giữa hai nước láng giềng này là trở ngại chính trong tiến trình hội nhập hơn nữa của Nam Á và điều này dường như sẽ không dễ dàng tháo gỡ.  

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.