Nghỉ hưu sẽ… tiếp tục làm việc, đó là cách người già Nhật Bản tìm thấy niềm vui, ý nghĩa cuộc đời và để được sống lâu, sống khỏe. Sẽ không ngạc nhiên khi bạn bắt gặp rất nhiều người từng là kỹ sư, kiến trúc sư, giám đốc, nhưng nay là những cụ ông, cụ bà vui vẻ quét rác trong công viên.
Các cụ ông làm vườn tại công viên Daisen. Ảnh: THU HOA |
Sakai là thành phố lâu đời của Nhật Bản. Mặc dù thành phố này thuộc nhóm ít dân cư so với các thành phố khác tại đất nước này nhưng tỷ lệ người già lại ở top đầu. Tổng dân số ở Sakai hiện có 848.878 người. Trong đó, trẻ em (dưới 14 tuổi) chỉ chiếm 13,9%, còn người già từ 65 tuổi trở lên chiếm tới 24,9%.
Thân thiện từ hình ảnh người già
Đến Sakai, ấn tượng đầu tiên có lẽ là hình ảnh người già lao động ở khắp nơi, với thái độ cần mẫn và hào hứng. Ngay từ “cửa ngõ” thành phố là sân bay Kansai, du khách được chào đón bằng nụ cười của những nhân viên lớn tuổi. Họ làm nhiều phần việc khác nhau như: hướng dẫn du khách, sắp xếp xe đẩy, dọn vệ sinh, lái xe, v.v…
Cụ T.Tatsuno, người đảm nhiệm việc hướng dẫn chọn phương tiện giao thông công cộng và mua vé xe buýt tại sân bay, luôn tỏ ra nhanh nhẹn, cởi mở, dù năm nay 82 tuổi. Khách nhờ gọi điện thoại, cụ liên lạc giúp. Khách lớn tuổi gặp khó khăn khi mặc áo khoác, cụ cũng làm giúp. Dường như với cụ Tatsuno, chỉ cần được làm việc, dù việc nhỏ như thế nào vẫn là một niềm vui lớn. Cụ cười hà hà, khoe rằng khó ai tin cụ cao tuổi đến vậy, và “ông già Tatsuno” chỉ nghỉ ngơi khi không còn trên cõi đời.
Người già ở Sakai đã tạo nên hình ảnh thân thiện cho thành phố. Minh chứng là ở bất kỳ địa điểm tham quan du lịch nào, du khách cũng nhận được sự chia sẻ tận tình từ các cô, bác tình nguyện viên (TNV). Sakai có 220 TNV cao tuổi, lớn nhất là những người đã ngoài 80. Tại mỗi điểm du lịch, các cụ trong trang phục màu vàng nổi bật kèm chữ “volunteer” - tình nguyện viên, đứng hỗ trợ thông tin không chỉ cho người lần đầu đến Nhật Bản, mà ngay cả người dân bản xứ vẫn rất cần đội ngũ này. Công việc không lương nhưng cụ nào cũng mong chờ tới giờ đi làm việc.
Tại tòa nhà thành phố (City Hall), tầng thứ 21 được chọn là nơi ngắm toàn cảnh Sakai, mỗi buổi có từ 2-4 TNV phụ trách. Các cụ giới thiệu với du khách về cảnh quan xung quanh và những hiện vật được trưng bày bên trong tòa nhà. Ở khu vực trưng bày hình ảnh Việt Nam, bà Michiko Kita (65 tuổi) nói: “Tôi rất thích công việc ở đây, nhờ đó tôi biết về lịch sử của thành phố mình một cách sâu sắc và biết cả những nơi chưa có dịp đến như Việt Nam”.
Mỗi ngày, bà Michiko làm việc 4 giờ trong tòa nhà rồi thay ca cho người khác. Cứ thế, 220 TNV thay phiên nhau lần lượt đến tất cả điểm tham quan trên địa bàn thành phố Sakai. Tại khu lăng mộ Nintoku, một cụ bà cho biết từng là quản lý của công ty bảo hiểm. Công việc tiếp nối công việc suốt thời tuổi trẻ đến mức phải đợi tới lúc nghỉ hưu, làm TNV thì bà mới biết Sakai đẹp như thế nào.
Trung tâm việc làm cho người già
Trung tâm việc làm Silver Jinzai ở Sakai là nơi cung cấp việc làm cho người già của thành phố. Trung tâm tọa lạc tại công viên Daisen rộng 36 ha với bạt ngàn cây xanh và thảm cỏ.
Có 6.500 cụ ông, cụ bà đang làm việc tại trung tâm này. Không một quy định bắt buộc nào cho người lao động khi được tuyển, ngoại trừ họ phải… già và sẵn sàng muốn làm việc. Không ít người lao động tại đây đã 90 tuổi. Bởi thế, ông quản lý Takao Kotani (50 tuổi) trở thành người trẻ nhất ở trung tâm.
Mỗi ngày các cụ làm từ 3-7 giờ, tùy theo loại hình công việc và khả năng sức khỏe. Công việc đa đạng với nghề làm vườn, lau chùi nhà, thợ xây dựng, v.v… Cụ Tatsuji Katayama (72 tuổi) là kỹ sư điện tử; 7 năm sau nghỉ hưu, cụ làm ở trung tâm với phần việc hằng ngày gồm: quét lá, dọn cỏ, trồng cây. Trong bộ đồng phục của người làm vườn, trông các cụ năng động như những thanh niên thực thụ.
Mức lương của mỗi người ở trung tâm việc làm dao động từ 40.000-50.000 yen/tháng (tương đương 8-10 triệu đồng). Thu nhập cao hay thấp không phải là vấn đề quan trọng nhất. Các cụ nói rằng, được tiếp tục cống hiến cho xã hội, kết nối với cộng đồng và rèn luyện sức khỏe hằng ngày thông qua những công việc vận động là lý do chính để những người già ở thành phố này không chấp nhận sự nhàn rỗi “hậu nghỉ hưu”.
THU HOA