.

Chiến đấu cơ xuất hiện gần chiếc MH17 khi xảy ra thảm họa

.

ĐNĐT - Cơ quan tư vấn an toàn hàng không Nga đã công bố các dữ liệu radar mới cho thấy rằng, các máy bay quân sự đã ở không phận gần với chiếc máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia khi máy bay này bị rơi ở miền đông Ukraine hôm 17-7 lúc đang từ Amsterdam trở về Kuala Lumpur.

Bản đồ các đường bay, lúc 13 giờ 40 phút 55, ngày 17-7-2014, máy bay quân sự được thể hiện bằng các chấm màu màu xanh có gắn chữ “T”. Trong khi đó, đường bay của MH17 được đánh dấu màu tím. Ảnh: www.aviasafety.ru
Bản đồ các đường bay, lúc 13 giờ 40 phút 55, ngày 17-7-2014: Máy bay quân sự được thể hiện bằng các chấm màu màu xanh có gắn chữ “T”. Trong khi đó, đường bay của MH17 được đánh dấu màu tím. Ảnh: www.aviasafety.ru

Cơ quan này đã cung cấp một ảnh chụp màn hình radar thể hiện các tham số do một trạm radar tại vùng Rostov (Nga), gần với biên giới Nga, thu được ngay trước và sau khi xảy ra vụ rơi máy bay MH17 20 phút.

Theo Giám đốc điều hành của Cơ quan An toàn hàng không Nga, Sergey Melnichenko, có 1 hoặc 2 máy bay chiến đấu tại không phận gần với chiếc máy bay MH17. Dữ liệu này đã đặt ra một nghi ngờ đối với kịch bản mà phương Tây thiêng về, khi cho rằng chiếc máy bay đã bị các lực lượng nổi dậy trên mặt đất bắn rơi bằng tên lửa đất đối không tinh vi.

Ông Melnichenko cho biết, dữ liệu đó “đến từ một trung tâm kiểm soát không lưu tại Rostov”. Tuy nhiên, ông không tiết lộ dữ liệu này là từ trung tâm nào, dân sự hay quân sự nhưng ông khẳng định “tin tưởng hoàn toàn vào các nguồn tin đã giúp chúng tôi đưa dữ liệu này đến với công chúng”.

“Các dữ liệu cho thấy rõ ràng tại thời điểm xảy ra tai nạn và sau đó 20 phút, đã có các máy bay di chuyển theo hướng bắc của đường bay chiếc MH17. Dường như đó là máy bay quân sự bởi vì các điểm là rất gần với nhau. Kết luận của chúng tôi là đã có 1 hoặc 2 máy bay ở đó”, ông Melnichenko nói.

Trên hình ảnh, các điểm màu xanh gắn chữ “T” được giả định là một hoặc vài máy bay quân sự. Trong khi đó, lộ trình của máy bay MH17 được đánh dấu bằng đường màu tím.

Một chỉ dấu khác dẫn đến nghi vấn các máy bay đó là máy bay quân sự là vì  chúng không phản ứng lại với việc bị quét bởi tín hiệu radar. Các máy bay dân sự luôn luôn phản ứng lại các tín hiệu từ radar, trong khi các máy bay quân sự “thường không được trang bị bộ đáp ứng truyền tin hoặc các phi công tắt các bộ này đi trong các chuyến bay chiến đấu”, ông Milnichenko giải thích.  

Một điều khác nữa là, các lực lượng nổi dậy lại không có không lực riêng của mình. Như vậy, điều có vẻ hợp lý nhất, là Nga và Ukraine đã điều máy bay chiến đấu tới khu vực đó. Nhưng không thể nào một máy bay chiến đấu của Nga lại xuất hiện bên trên biên giới với Ukraine mà không bị các radar của Ukraine hoặc NATO phát hiện.

Ông Milnichenko giải thích rằng: “Ắt hẳn phải có sự phản ứng đối với những điều như thế lâu lắm rồi, từ NATO hoặc Ukraine. Tuy vậy, người ta đã không phản ứng bởi chả có gì để phản ứng lại”, ông Milnechenko nói.

Một vài ngày sau khi xảy ra thảm họa MH17, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố bằng chứng cho thấy họ đã phát hiện một máy bay chiến đấu Urkaine gần với chiếc Boeing vào thời điểm xảy ra thảm họa. Kiev đã bác bỏ việc huy động máy bay phản lực vào cái ngày đó nhưng thường ngày họ đã sử dụng không lực để tấn công các vị trí của phe nổi dậy ở miền đông Ukraine.

Theo Melnichenko, dữ liệu mới này phù hợp với dữ liệu do quân đội công bố. “Dữ liệu của chúng tôi lại chính xác hơn bởi họ đã không thể hiện được hướng bay rõ ràng. Tuy vậy, họ làm điều đó một cách có chủ ý, tôi không biết làm thế nào”.  

Chuyên gia Melnichenko nói thêm rằng, sự hiện diện của các máy bay quân sự phía bắc đường bay của chiếc Boeing đã đặt chúng vào vị trí phía trái máy bay này. Một số bức ảnh từ hiện trường cho thấy, sự hư hại ở phía trái của buồng lái, phù hợp với một kịch bản là MH17 đã bị các máy bay chiến đấu đó tấn công.

Toàn bộ 298 người trên chuyến bay MH17 đã thiệt mạng trong vụ thảm họa 17-7. Máy bay đã rơi tại vùng chiến sự mà chính quyền Kiev đã tiến hành trấn áp phe nổi dậy tại ra trên vùng Donetsk sau cuộc đảo chính hồi tháng 2.

Cả hai phía liên quan tới cuộc xung đột đã cáo buộc nhau bắn rơi máy bay MH17. Kiev và các nước phương Tây tuyên bố rằng, máy bay MH17 bị bắn rơi bởi một hệ thống tên lửa BUK mang qua từ Nga và buộc Moscow chịu trách nhiệm đối với thảm kịch này. Tuy vậy, đến nay vẫn không hề có bằng chứng được đưa ra, ngoại trừ các bức ảnh đáng ngờ trôi nổi trên mạng để chứng minh hệ thống đó.

Vào cuối tháng 10, Trưởng đoàn điều tra của Viện công tố quốc gia Hà Lan, ông Fred Westerbeke, phát biểu với tạp chí Der Spiegel rằng, nhóm của ông để ngỏ giả thuyết rằng, một máy bay khác đã bắn rơi chiếc MH17.

Quang Hiển (theo RT)

;
.
.
.
.
.
.