.

Chuẩn hóa ẩm thực bằng… "lưỡi điện tử"

.

Thời còn tại nhiệm, nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra thường xuyên có các chuyến công du. Điều phiền muộn bà thường gặp nhất trong những chuyến viễn du ấy chính là phải ăn các món ăn nấu theo kiểu Thái không ngon và cũng không được chế biến đúng kiểu.

Một nhà hàng trên đường phố Bangkok. Ảnh: New York Times
Một nhà hàng trên đường phố Bangkok. Ảnh: New York Times

Ủy ban Hương vị Thái được thành lập từ các chuyến công du của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Trong một lần đến New York (Mỹ), bà nhận thấy có hệ thống giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm rất hay. Theo đó, những ký tự phân cấp thứ hạng được dán ở cửa sổ các nhà hàng. Bà Yingluck tự hỏi, liệu Thái Lan có thể phát triển một hệ thống tương tự khiến các nhà hàng Thái xấu hổ và phải nâng cao chất lượng đồ ăn không.

Vậy là dưới sự chỉ đạo của bà Yingluck, Ủy ban Hương vị Thái đã cấp cho các nhà hàng mẫu logo gắn kèm thực đơn trong trường hợp đầu bếp của họ đã sử dụng những công thức nấu ăn được chính thức phê duyệt.

Mặc dù bà Yingluck hiện không còn là Thủ tướng nhưng những vấn đề liên quan tới ẩm thực Thái từng được bà đưa ra bàn luận nghiêm túc tại nghị trường vẫn được giới chức nước này quan tâm.

Máy nếm thức ăn

Mới đây, tại một khách sạn ở Bangkok, các quan chức và các nhà ngoại giao đã được mời tham gia buổi giới thiệu loại robot có khả năng nếm thức ăn. Đây là một nỗ lực cụ thể nhằm chuẩn hóa ẩm thực Thái của chính phủ nước này.

Theo giới thiệu, chiếc máy điện tử có tính năng đánh giá một cách khoa học món ăn nấu theo kiểu Thái. Chẳng hạn, nó có thể phân biệt đâu là loại cà ri xanh được nấu đúng kiểu với loại bắt chước nhưng không đúng cách. Chiếc máy hình hộp chứa đầy cảm biến và vi mạch được gọi là máy nếm thức ăn điện tử. Về nguyên tắc hoạt động, nó quét qua mẫu thức ăn, trên cơ sở đối sánh với các tiêu chuẩn đã được lập trình để đưa ra những thông số hóa học của thực phẩm được kiểm tra.

Ủy ban Hương vị Thái - đơn vị chịu trách nhiệm giám sát quá trình chế tạo loại máy này - cho biết đó là “robot thông minh giúp thẩm định hương vị các thành phần thực phẩm thông qua công nghệ cảm ứng để đánh giá mùi vị thức ăn giống như một chuyên gia ẩm thực”.

Với một quốc gia gồm 67 triệu dân và nền ẩm thực vô cùng phong phú như Thái, quả thật khó đặt ra tiêu chuẩn cho cách làm món ăn ngon nhất. Tuy nhiên, tất cả người dân Thái đều cho rằng, nhiều nhà hàng nước ngoài đã đánh mất sự cân bằng khi sử dụng gia vị chua, cay, mặn, ngọt trong văn hóa ẩm thực truyền thống của người Thái.

Theo ông Supachai Lorlowhakarn, cố vấn Cơ quan Đổi mới công nghệ quốc gia Thái Lan (NIA), đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện chương trình Hương vị Thái: “Trên thế giới có quá nhiều nhà hàng chuyên đồ ăn Thái nhưng không phải do người Thái làm chủ. Các cửa hàng đó của người Việt Nam, Myanmar, hoặc thậm chí của người Ý, Pháp”.

Cũng theo ông Sura-at Supachatturat, Giám đốc NIA, đơn vị này đã dành khoảng 1/3 trong số 30 triệu baht (1 triệu USD) cho dự án Hương vị Thái, trong đó 100.000 USD đầu tư phát triển máy nếm thức ăn điện tử. Doanh nhân Nakah Thawichawatt đang tiến hành thương mại hóa sản phẩm này với mức giá 18.000 USD/máy. Anh định bán chúng cho các đại sứ quán Thái ở các nước có nhiều nhà hàng Thái.
Anh Sirapat Pratontep, chuyên gia công nghệ nano được đào tạo ở Anh - người phụ trách nhóm chuyên gia phát triển chiếc máy nếm thức ăn nói: “Chúng tôi muốn có một phương pháp rẻ nhất, tiện dụng nhất để kiểm định thức ăn. Bạn chỉ cần đặt thức ăn vào máy và sẽ có ngay kết quả đánh giá”.

Máy hay người tốt hơn?

Công thức chuẩn lập trình trong máy nếm thức ăn dựa trên các đánh giá phong phú và chính xác của từng món ăn. Chẳng hạn, với riêng tom yam, món canh chua cay nấu với lá Kaffir và rau mùi, các nhà nghiên cứu đã niêm yết thông báo tại Đại học Chulalongkorn nổi tiếng ở Bangkok, mời 120 người tham gia nếm. Những người nếm gồm sinh viên, nhân viên trường đại học và các công nhân trong vùng. Họ được trả tiền để nếm khoảng 10 loại canh được làm theo những cách khác nhau và sau đó cho ý kiến đánh giá chất lượng từng loại.

Ông Sirapat lý giải, loại canh mà nhiều người đánh giá ngon nhất sẽ được chọn là chuẩn và những thông số về món ăn được lập trình vào máy. Từ đó, máy sẽ biết một món ăn tương tự đưa vào kiểm tra sau đó là quá mặn hay quá cay… Với thang điểm chuẩn 100 cho mỗi món ăn được làm theo đúng phong cách Thái, bất cứ món nào đạt dưới mức 80 điểm đều được xem không phải đồ ăn của người Thái.

Thực tế, từ bao đời nay, những đầu bếp lành nghề nhất của Thái đều làm việc với các xe bán hàng rong đẩy tay. Họ hiếm khi dùng thìa để đong đếm gia vị, nói gì đến việc dùng một công thức trên giấy. Chẳng hạn, anh Thaweekiat Nimmalairatana (35 tuổi) - chủ một cửa hàng ăn nhỏ bên khu đại lộ đông đúc ở Bangkok - biết nấu ăn và đã vào bếp từ năm lên 10. Anh Thaweekiat có thể cảm nhận rất nhanh những tác động tới chất lượng thực phẩm từ một thay đổi rất nhỏ trong quy trình chuẩn bị và chế biến. Anh nói: “Tôi luôn kiểm tra đồ ăn bằng miệng để xem nó có ngon không. Và tôi nghĩ tốt hơn là chính phủ nên dùng người để đo đếm sự chuẩn xác”.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.