Cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại thủ đô Bắc Kinh ngày 10-11 được cho là “phá băng” cho mối quan hệ lạnh giá giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: AP |
Sau cái bắt tay mang tính tượng trưng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có các cuộc đối thoại chính thức lần đầu tiên kể từ khi cả hai nhà lãnh đạo này lên nắm quyền. Reuters gọi đây là bước đột phá trong nỗ lực khôi phục quan hệ giữa hai đối thủ châu Á.
Tránh những tình huống bất trắc trên biển Hoa Đông
Reuters cho biết, quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới, căng thẳng kéo dài hơn 2 năm qua, chủ yếu do vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông và “di sản” của việc Nhật Bản xâm chiếm Trung Quốc trong thời chiến. Hơn nữa, việc Tokyo quốc hữu hóa một số đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9-2012 làm Bắc Kinh tức giận, khơi mào cho các cuộc xung đột và những quan ngại về an ninh khu vực khi các tàu tuần tra của Trung Quốc tiến vào khu vực tranh chấp, đối đầu với các tàu thuộc lực lượng phòng vệ biển của Nhật. Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Trung Quốc theo đó giảm hơn 40% trong 9 tháng năm nay.
Trong cuộc hội đàm vốn được mong đợi này, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Abe khẳng định sự cần thiết của việc phát triển quan hệ chiến lược đôi bên cùng có lợi, hướng đến cải thiện quan hệ song phương đang gặp nhiều sóng gió.
Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga xác nhận việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản đã “gặp gỡ và trao đổi thẳng thắn”. Theo ông Suga, đây là “bước tiến lớn trong việc khôi phục quan hệ kinh tế cũng như các quan hệ khác giữa Nhật Bản và Trung Quốc”.
Theo đó, ông Tập Cận Bình và ông Abe đã thống nhất thiết lập cơ chế kiểm soát khủng hoảng nhằm tránh phát sinh những tình huống bất trắc trên biển Hoa Đông. “Đó là bước đi đầu tiên nhằm cải thiện quan hệ bằng việc trở lại mối quan hệ hai bên cùng có lợi, dựa trên các lợi ích chiến lược chung”, ông Abe phát biểu với báo giới tại Bắc Kinh. Vị Thủ tướng Nhật còn nói rằng, không chỉ các nước láng giềng châu Á mà còn nhiều nước khác đều hy vọng Nhật Bản và Trung Quốc đối thoại.
Trong khi đó, Tân Hoa xã dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình thúc giục Nhật Bản nỗ lực hơn nữa để tăng cường sự tin cậy lẫn nhau giữa Tokyo với các nước láng giềng, cũng như đóng vai trò xây dựng trong việc bảo vệ hòa bình và ổn định của khu vực.
Xây dựng lại niềm tin: Không dễ!
AP nhận định: Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Trung - Nhật làm gia tăng hy vọng rằng, hai nước sẽ “hạ nhiệt” căng thẳng, đồng thời “đánh bóng” hình ảnh của Chủ tịch Tập Cận Bình trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) khai mạc hôm nay (11-11), với sự tham dự của 21 nhà lãnh đạo thế giới và Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Các nhà quan sát từng lo ngại căng thẳng Senkaku/Điếu Ngư có thể bùng phát thành cuộc xung đột vũ trang và kéo Mỹ vào cuộc để bảo vệ đồng minh Nhật Bản. Thủ tướng Abe vốn chủ trương khôi phục quan hệ với Trung Quốc khi ông nắm quyền vào năm 2006-2007. Song, khi trở lại cương vị Thủ tướng vào năm 2012, nỗ lực của ông nhằm thay đổi Hiến pháp hòa bình của Nhật cùng một số động thái khác như thăm đền Yasukuni khiến Trung Quốc không hài lòng.
Bắc Kinh muốn ông Abe không lặp lại chuyến thăm đền Yasukuni như nhà lãnh đạo này đã làm vào tháng 12 năm ngoái. Đền Yasukuni được xem là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản trong quá khứ. Tuy nhiên, ông Abe khó đưa ra cam kết như thế. Vì vậy, nhà lãnh đạo của chính phủ Tokyo hồi cuối tuần qua nói rằng, thỏa thuận với Bắc Kinh sẽ không bao gồm các vấn đề đặc biệt, như những chuyến thăm đền Yasukuni.
GS Gerry Curtis của Đại học Columbia (Mỹ) cho rằng, cuộc gặp “phá băng” lần này có ý nghĩa quan trọng và là sự phát triển tích cực hướng đến cải thiện quan hệ song phương. Tuy nhiên, theo GS Curtis, việc xây dựng lại niềm tin là điều không dễ!
PHÚC NGUYÊN