.

Đảng Cộng hòa kiểm soát Quốc hội Mỹ

.

Đúng như dự đoán, Thượng viện Mỹ đã rơi vào tay Đảng Cộng hòa, gia tăng quyền lực của đảng này trong 2 năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Đây là lần đầu tiên kể từ cuộc bầu cử năm 2006, Đảng Cộng hòa trở lại nắm quyền ở Thượng viện. Hơn nữa, đảng này còn kiểm soát cả hai viện của Quốc hội.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell và vợ trong niềm vui chiến thắng. Ông McConnell trở thành lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện.   	                             Ảnh: AP
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell và vợ trong niềm vui chiến thắng. Ông McConnell trở thành lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện. Ảnh: AP

Xoay chiều

Kết quả ngày 5-11 cho thấy, Đảng Cộng hòa giành thêm 7 ghế tại Thượng viện và vẫn giữ vững 15 ghế được bầu lại, nâng tổng số ghế của đảng này từ 45 lên 52. Đảng Cộng hòa đã giành thắng lợi ở 7 bang: Arkansas, Colorado, Iowa, Montana, North Carolina, South Dakota và West Virginia. Dự kiến đảng này tiếp tục chiến thắng ở nhiều bang khác khi hoàn tất việc kiểm phiếu. Cuộc đua ở Thượng viện gay cấn bởi cơ quan lập pháp này vốn do Đảng Dân chủ nắm giữ với 53 ghế, nay đảng của Tổng thống Barack Obama chỉ còn 45 ghế.

Trong khi đó, cuộc đua tại Hạ viện với 435 ghế được bầu lại không mấy căng thẳng bởi chiến thắng được cho là vẫn thuộc Đảng Cộng hòa. Thậm chí, phe đối lập còn có thể lấy thêm từ 14-18 ghế để lần đầu tiên áp đảo nhất ở cơ quan lập pháp này kể từ năm 1946 đến nay. Trước cuộc bầu cử giữa kỳ, Đảng Cộng hòa có 237 ghế tại Hạ viện, còn Đảng Dân chủ có 162 ghế.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell sẽ trở thành lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện - một vị trí đầy quyền lực ở đồi Captitol, thay thế nghị sĩ Dân chủ Harry Reid. Ông McConnell nói rằng, kết quả bầu cử chống lại “một chính phủ mà người dân không còn tin tưởng nữa”.

Trong phát biểu mừng chiến thắng, trong niềm vui của những người Cộng hòa, ông McConnell khẳng định: “Đây là thời điểm rẽ theo hướng mới”. Theo Chủ tịch Ủy ban toàn quốc của Đảng Cộng hòa, ông Mike Duncan, nước Mỹ đang quay lưng với Tổng thống Obama. “Chúng ta đang đưa nước Mỹ trở lại vị trí một nước trung hữu mà người dân mong muốn”, ông Duncan nói.

Theo AFP, kết quả nói trên là “cơn bão chiến thắng”, theo đó sẽ gây khó khăn cho 2 năm còn lại trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama. “Người Mỹ đã đặt niềm tin vào Đảng Cộng hòa”, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Đảng Cộng hòa Reince Priebus nói.

“Thảm họa” với Tổng thống Obama

AFP gọi cuộc bầu cử giữa kỳ là “thảm họa” với Tổng thống Obama khi đảng của ông được mô tả thất bại nặng nề. Ông Obama sẽ phải chung sống với một Quốc hội đối lập suốt 2 năm và sẽ chật vật trong việc đưa ra bất kỳ quyết sách nào, cả về đối nội lẫn đối ngoại, hay bổ nhiệm nhân sự. Nắm giữ cả Thượng viện lẫn Hạ viện, Đảng Cộng hòa có quyền bác những chính sách của Tổng thống trong 2 năm qua.

Tuy nhiên, kết quả này không bất ngờ bởi theo các cuộc thăm dò dư luận trước đó, uy tín của Tổng thống Obama giảm rõ rệt, hầu hết cử tri Mỹ không tán thành cách điều hành đất nước của ông, cũng như đánh giá rất thấp về một Quốc hội luôn trong tình trạng đối đầu.

Theo các nhà quan sát, điều đáng nói là chiến thắng của phe Cộng hòa sẽ làm chính trường Mỹ thêm phức tạp, làm cuộc đua giữa hai đảng lớn nhất gay cấn hơn trong cuộc bỏ phiếu bầu Tổng thống vào năm 2016.

Các nhà quan sát cũng đặt câu hỏi về nguyên nhân thất bại của Đảng Dân chủ và kế hoạch của Nhà Trắng trong 2 năm tiếp theo sẽ như thế nào. Nguyên nhân thì có rất nhiều, từ vấn đề kinh tế (mặc dù nền kinh tế Mỹ có sự cải thiện trong 6 năm qua); các dự luật gây nhiều tranh cãi như cải cách y tế, cải cách luật nhập cư và thuế, kiểm soát súng đạn; đến chính sách đối ngoại với bầu không khí Chiến tranh Lạnh đang trở lại giữa Mỹ, châu Âu và Nga; tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang hoành hành tại Iraq và Syria; dịch Ebola ở Tây Phi… Song, nguyên nhân chủ yếu được cho là do tâm lý người Mỹ bất an về nửa nhiệm kỳ qua và muốn có sự thay đổi.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.