.

Ferguson không yên tĩnh

.

“Sinh mạng người da đen cũng đáng giá” là một trong những khẩu hiệu xuất hiện trên đường phố Mỹ trong những ngày qua. Điều này minh chứng vấn đề phân biệt chủng tộc vẫn nhức nhối tại nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Những người Mỹ da đen xuống đường biểu tình ở Ferguson, bang Missouri. 							               Ảnh: AFP
Những người Mỹ da đen xuống đường biểu tình ở Ferguson, bang Missouri. Ảnh: AFP

Biểu tình phản đối việc một cảnh sát da trắng được miễn truy tố sau khi bị cáo buộc bắn chết một thiếu niên da màu đang lan rộng khắp cả nước. Thành phố Ferguson, bang Missouri, dường như trở lại khá yên tĩnh trong ngày 26-11 (sáng 27-11, giờ Việt Nam) sau 2 đêm bất ổn với những vụ đập phá, đốt xe cảnh sát và xung đột… Ngày 27-11, không có đụng độ xảy ra giữa những người biểu tình và cảnh sát. Nhiều người tình nguyện đã dọn dẹp đường phố Ferguson. CNN cho biết, cảnh sát chỉ bắt giữ 2 người và không có thông tin về người bị thương cũng như thiệt hại.

Tuy nhiên, sự bất bình, tức giận vẫn âm ỉ về phán quyết của bồi thẩm đoàn tòa án thành phố St. Louis đối với viên sĩ quan cảnh sát da trắng Darren Wilson. Phán quyết này được cho là mang tính phân biệt chủng tộc. Bạo lực đã bùng phát ở Ferguson trong nhiều tuần kể từ sau khi thiếu niên da màu Michael Brown bị bắn chết vào ngày 9-8 vừa qua. Đây là khu vực ngoại ô của thành phố St. Louis, với 21.000 cư dân sinh sống, chủ yếu là người da đen.

Tại Ferguson và nhiều thành phố khác của nước Mỹ như: Philadelphia, New York, Cleveland, Los Angeles, Boston, Oakland…, những ngày qua, hàng ngàn người đã tức giận xuống đường mang theo các biểu ngữ: “Sinh mạng người da đen cũng đáng giá”, “Chúng tôi giơ tay rồi, xin đừng bắn”, “Không có công lý, không có hòa bình”… Tại New York, người biểu tình yêu cầu bỏ tù các cảnh sát đã sát hại dân thường. Tại Los Angeles, có 130 người bị bắt. Trên khắp cả nước Mỹ, có 400 người bị bắt liên quan đến vụ việc này.

Không những thế, biểu tình còn lan sang Anh với các cuộc tuần hành trước Đại sứ quán Mỹ ở London. Những người biểu tình muốn bày tỏ tình đoàn kết với cộng đồng Ferguson và gửi thông điệp chia sẻ nỗi đau với gia đình Brown.

Đến lúc này vẫn có nhiều tranh cãi về vụ việc ngày 9-8, nhưng lý do mà viên sĩ quan cảnh sát Wilson đưa ra rằng, anh ta phải nổ súng để tự vệ không thể thuyết phục được đám đông biểu tình. Với cha mẹ của Brown, việc tha bổng Wilson là điều không thể chấp nhận được, bởi họ nói với CNN rằng, họ không tin con trai mình giễu cợt và đoạt vũ khí của cảnh sát. “Anh ta là kẻ giết người”, ông Michael Brown Sr., cha của Brown nói, hàm ý chỉ Wilson. Ông cũng cho rằng, Wilson thật “điên rồ” khi nói Brown đã tấn công anh ta mặc dù bị chĩa súng vào người. Tuy nhiên, chính cha mẹ của Brown cũng kêu gọi kiềm chế bạo lực.

Trong một tuyên bố, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết vẫn đang tiến hành điều tra xem viên cảnh sát Wilson có lạm quyền khi nổ súng nhằm vào Brown hay không. Tổng thống Barack Obama đã lên tiếng kêu gọi kiềm chế và chỉ trích hành động phá hoại của những người biểu tình cực đoan. Chưa rõ ông Obama có đến “vùng tâm chấn” Ferguson hay không, bởi có những nhận định rằng, việc nhà lãnh đạo Mỹ đến khu vực này có thể càng làm vụ việc trầm trọng hơn nữa.

Song, bạo động xung quanh vụ thiếu niên da màu bị bắn chết chỉ là giọt nước làm tràn ly đối với vấn đề sắc tộc, một vấn đề luôn gây nhức nhối tại Mỹ. Thực tế, căng thẳng giữa cảnh sát với người Mỹ da đen tồn tại trong nhiều thập niên qua. Nhiều người da đen cho rằng, họ bị hệ thống luật pháp và các quan chức thi hành luật ở Mỹ đối xử không công bằng.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, làn sóng biểu tình với cách phản ứng của cả người dân lẫn cơ quan thực thi luật pháp cho thấy nền dân chủ Mỹ không vượt qua được sự kỳ thị, chia rẽ sắc tộc và sự bất bình đẳng trong xã hội.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.