* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng thống Obama
Cuộc gặp chính thức giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 25 tại thủ đô Naypyitaw của Myanmar ngày 13-11 đều đề cập vấn đề Biển Đông, trong đó nhấn mạnh cần giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp chính thức Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: TTXVN |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không là lợi ích và mối quan tâm chung của các nước trong và ngoài khu vực.
Lập trường rõ ràng của Mỹ về vấn đề Biển Đông
Cuộc gặp chính thức giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với Tổng thống Mỹ Barack Obama diễn ra bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 25, Hội nghị EAS lần thứ 9 và các hội nghị cấp cao liên quan.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Barack Obama bày tỏ vui mừng trước những tiến triển trong quan hệ giữa hai nước trên các lĩnh vực, nhất là từ khi Việt Nam và Mỹ thiết lập khuôn khổ hợp tác đối tác toàn diện năm 2013; hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, y tế, nhân đạo, năng lượng sạch được tăng cường; đối thoại trên các lĩnh vực an ninh - quốc phòng và quyền con người được tiến hành thường xuyên; cùng tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Mỹ tiếp tục tăng ngân sách cho các hoạt động tẩy độc và hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam, rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh; đề nghị Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương.
Trong khi đó, Tổng thống Obama khẳng định cam kết thúc đẩy quan hệ song phương trên cơ sở các lĩnh vực ưu tiên được đề ra trong quan hệ đối tác toàn diện, vì lợi ích của nhân dân hai nước. Nhà lãnh đạo Mỹ bày tỏ vui mừng về việc hai nước đã ký kết hiệp định sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình (Hiệp định 123); đồng thời tin tưởng rằng hai nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh - quốc phòng, giáo dục - đào tạo, giao lưu nhân dân; năng lượng sạch...
Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực quan trọng nhằm tăng cường quan hệ hợp tác song phương và trong khuôn khổ các diễn đàn ASEAN liên quan, đóng góp tích cực và xây dựng vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác ở khu vực.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh và đánh giá cao lập trường rõ ràng của Mỹ về sự cần thiết phải duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn và tự do hàng hải, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982, thực hiện tự kiềm chế, không làm thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông.
Dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh Tổng thống Obama và phu nhân sớm thăm Việt Nam.
Xây dựng một cấu trúc khu vực vì hòa bình, ổn định, phát triển
Cũng trong ngày 13-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự Hội nghị EAS, đồng thời có bài phát biểu điểm lại những đóng góp quan trọng của cấp cao Đông Á vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất cần có một tầm nhìn dài hạn để xây dựng một cấu trúc khu vực vì hòa bình, ổn định và phát triển ở Đông Á.
Theo đó, cần phát huy hơn nữa vai trò của cấp cao Đông Á trong thúc đẩy phát triển kinh tế và tiến trình liên kết, hội nhập khu vực. Cấp cao Đông Á cần bàn phương hướng và biện pháp tăng cường hợp tác khu vực, hỗ trợ những nỗ lực phát triển kinh tế bền vững; ủng hộ ASEAN hướng tới cộng đồng vào 2015, cũng như các nỗ lực đàm phán về hội nhập, tự do hóa thương mại khu vực, trong đó có xây dựng đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và TPP.
Trước bối cảnh tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bên cần đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực nhằm bảo đảm việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982; thực hiện kiềm chế, không có hành động đơn phương làm phức tạp tình hình hay làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực; thực hiện đầy đủ và nghiêm túc DOC.
Duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 25 và các Hội nghị cấp cao giữa ASEAN với đối tác đã bế mạc vào tối 13-11. Trong Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 25, các nhà lãnh đạo khối tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định, đảm bảo an toàn, an ninh, hàng hải và tự do trên biển và hàng không trên Biển Đông đúng với các nguyên tắc trong DOC và nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông.
Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng hoan nghênh các tiến bộ đã đạt được trong việc thực thi DOC và nhất trí tiếp tục phối hợp để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) dựa trên sự đồng thuận. Các nhà lãnh đạo nhất trí sẽ tăng cường tham vấn Trung Quốc về các biện pháp và cơ chế nhằm đảm bảo, thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC.
Tuy nhiên, ASEAN tiếp tục bày tỏ quan ngại về tình hình hiện nay trên Biển Đông; đồng thời tái khẳng định các cam kết của ASEAN đối với DOC nhằm đảm bảo việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982.
Trong Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN 25, các nhà lãnh đạo còn tái khẳng định tầm quan trọng trong các cam kết của các thành viên ASEAN cũng như của Trung Quốc về hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải và lòng tin trong khu vực, cũng như sự cần thiết của việc tạo dựng các điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình.
Trung Quốc đề xuất hiệp ước hữu nghị với ASEAN Ngày 13-11, tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Myanmar, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đề xuất một hiệp ước hữu nghị với các nước ASEAN nhưng tái khẳng định rằng, việc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông cần được giải quyết trực tiếp giữa các nước có liên quan. Reuters dẫn lời Thủ tướng Lý Khắc Cường phát biểu với các nhà lãnh đạo rằng, Trung Quốc “sẵn sàng trở thành đối tác đối thoại đầu tiên để ký với ASEAN một hiệp ước hữu nghị và hợp tác”. Tuy nhiên, với vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh vẫn giữ nguyên quan điểm đối thoại song phương, thay vì đối thoại đa phương như mong muốn của ASEAN. Theo các nguồn tin ngoại giao, Philippines phản ứng lạnh lùng với đề xuất nói trên của Trung Quốc. Philippines nói rằng, sự việc lần này tương tự với một hiệp ước do Manila đề xuất vào năm 2012 nhưng bị Bắc Kinh phớt lờ. PHÚC NGUYÊN |
B.T tổng hợp