Đàm phán giữa Iran với nhóm 6 cường quốc sẽ được nối lại vào tháng 12 tới sau khi vòng đàm phán cuối cùng không mang lại một thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân của Tehran.
Các nhà ngoại giao tham gia đàm phán tại Vienna (Áo).Ảnh: AP |
Một tuần đàm phán “cân não” tại Vienna (Áo), từ ngày 18-11 đến 24-11, được cho là quá ngắn để thu hẹp các khác biệt giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc: Mỹ, Anh, Nga, Trung Quốc, Pháp và Đức). Thời hạn cuối (ngày 24-11) đã trôi qua nhưng không có thỏa thuận nào và các bên sẽ ngồi lại vào tháng 12 tới, có thể tại Vienna và tại Oman, để nỗ lực tìm tiếng nói chung.
Reuters dẫn một nguồn tin ngoại giao cho biết, Iran và P5+1 đã đạt được một số tiến triển. “Nhưng chúng tôi cần bàn thảo một số vấn đề và chúng tôi sẽ gặp lại trước khi bước sang năm mới”, một quan chức ngoại giao nói.
Trước đó, nhiều kỳ vọng được đặt ra đối với các cuộc đàm phán ở Vienna, khi cả phía các cường quốc lẫn Iran đều “bật đèn xanh” thể hiện mong muốn tiến đến một thỏa thuận nhằm dỡ bỏ một cuộc xung đột tiềm ẩn ở Trung Đông, mở cánh cửa kết thúc cấm vận kinh tế đối với Tehran. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, từ mong muốn đến thực tế là khoảng cách khá xa, bởi cả hai bên đều giữ quan điểm cứng rắn của mình và kiên quyết không chịu nhượng bộ.
Theo Reuters, thất bại của đàm phán có thể dẫn đến những hệ quả. Các nước đối đầu với Iran trong khu vực như Israel và Saudi Arabia quan sát chặt chẽ diễn biến nghị sự ở Vienna. Hai quốc gia ở Trung Đông này lo ngại một thỏa thuận yếu ớt sẽ không ngăn chặn được tham vọng hạt nhân của Iran; còn nếu đàm phán thất bại thì Tehran sẽ trở thành một nhà nước có vũ khí hạt nhân, điều mà Tel Aviv từng tuyên bố rằng “không bao giờ cho phép”.
Cũng trong ngày 24-11, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng, Iran và P5+1 sẽ tiến đến một thỏa thuận để giải quyết 12 năm bế tắc trong vấn đề hạt nhân của Tehran, dù đàm phán bị hoãn bởi “có quá nhiều vấn đề phức tạp”. Vấn đề ở đây là nếu Iran chịu từ bỏ việc làm giàu uranium trước thì đổi lại sẽ được dỡ bỏ các biện pháp cấm vận kinh tế.
Tuy nhiên, Tehran khẳng định việc làm giàu uranium chỉ mang mục đích hòa bình và nước này có quyền làm như vậy; đồng thời muốn phải dỡ bỏ ngay lập tức toàn bộ các biện pháp trừng phạt song phương và đa phương. Hơn nữa, Mỹ, Anh, Pháp và Đức muốn giới hạn số máy ly tâm của Iran từ 4.000-6.000 chiếc, nhưng nước Cộng hòa Hồi giáo muốn duy trì khoảng 20.000 chiếc, đồng thời đặt thêm các máy ly tâm thế hệ mới IR-2 có công suất cao hơn gấp 2-5 lần so với loại IR-1 đang được sử dụng.
Bất đồng vẫn còn đó. Cả Mỹ lẫn Iran đều biết rằng, suốt 12 năm, sau quá nhiều lần đối thoại căng thẳng, để tụt mất cơ hội hiếm hoi lần này thì hy vọng đạt được thỏa thuận càng ít ỏi.
PHÚC NGUYÊN