.

IS và "tội ác thuần túy của quỷ dữ"

.

Việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hành quyết một nhân viên cứu trợ Mỹ một lần nữa gây bàng hoàng. Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi hành động này là “tội ác thuần túy của quỷ dữ”.

Peter Edward Kassig là nhân viên cứu trợ người Mỹ, bị IS bắt vào tháng 10-2013.  							      Ảnh: AFP
Peter Edward Kassig là nhân viên cứu trợ người Mỹ, bị IS bắt vào tháng 10-2013. Ảnh: AFP

Sau khi IS công bố đoạn băng hành quyết Peter Edward Kassig và 18 nam giới được cho là các quân nhân Syria vào ngày 16-11, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã xác nhận cái chết của người nhân viên cứu trợ 26 tuổi này, đồng thời gửi lời chia buồn đến gia đình anh. Tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ là xác nhận chính thức đầu tiên về việc IS đã hành quyết Kassig.

5 người phương Tây đã bị hành quyết

Như vậy, đến nay, IS đã hành quyết 5 công dân phương Tây. Chung số phận với Kassig là hai nhà báo Mỹ James Foley và Steven Sotloff, cùng hai nhân viên cứu trợ người Anh David Haines và Alan Henning đã bị hành quyết trước đó.

Theo các nhà quan sát, chưa rõ hành động nói trên của IS có tiếp diễn hay không và công dân nước nào sẽ là nạn nhân tiếp theo. Song, những gì diễn ra minh chứng sự tàn bạo của một tổ chức khủng bố vốn đang hoành hành ở Iraq và Syria.

AP dẫn lời Tổng thống Obama vừa trở về từ Hội nghị thượng đỉnh G20 ở thành phố Brisbane của Úc gọi động thái của IS là “tội ác thuần túy của quỷ dữ”. “Abdul-Rahman (tên Hồi giáo của Kassig) đã bị đưa ra khỏi chúng ta trong một hành động độc ác của một nhóm khủng bố, vốn bị thế giới lên án là vô nhân đạo”, ông Obama nói.

Kassig bị bắt cóc vào ngày 1-10-2013 ở phía đông Syria khi anh phát thực phẩm và thuốc men cho những người bị thương tại quốc gia Trung Đông này. Sau khi bị bắt, anh cải sang đạo Hồi và mang tên Abdul-Rahman. Trong đoạn băng IS chặt đầu nhân viên cứu trợ người Anh Alan Henning vào ngày 3-10 vừa qua có lời đe dọa đối với Kassig.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng cam kết chính phủ sẽ cùng gia đình của chàng trai 26 tuổi tìm cách giải cứu và đưa anh trở về. Còn Burhan Agha, một người Hồi giáo Syria làm việc cùng Kassig ở Lebanon, đã bật khóc khi kể về người bạn của mình. “Nếu tôi có thể xin lỗi mỗi người dân Mỹ, từng người một, thì tôi sẽ làm, vì Kassig đã chết ở Syria trong lúc giúp đỡ chính người dân Syria”, Agha nói với hãng AP trong sự day dứt.

Trong nhóm chiến binh giết người có công dân Anh, Pháp?

AFP cho biết, khi chiếm giữ nhiều vùng đất ở Iraq và Syria, IS đã chặt đầu, bắn chết hàng trăm con tin, hầu hết là các binh sĩ hai nước này. Hiện IS vẫn bắt giữ nhiều con tin khác, trong đó có phóng viên ảnh người Anh John Cantlie và một cô gái 26 tuổi người Mỹ bị bắt vào năm ngoái ở Syria trong lúc làm nhiệm vụ cứu trợ. Giờ đây, số phận của các con tin này đang bị đe dọa với mục đích trả đũa chiến dịch tấn công IS của liên quân quốc tế.  

Vụ hành quyết xảy ra khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel phát biểu rằng, Lầu Năm Góc sẽ đẩy nhanh tiến độ việc huấn luyện lực lượng Iraq chống lại IS. Tổng thống Obama cũng muốn Quốc hội Mỹ phê chuẩn 5,6 tỷ USD cho sáng kiến tăng quân tại Iraq, trong đó dành 1,6 tỷ USD huấn luyện và trang bị cho lực lượng tại quốc gia này.

Mỹ đang chuẩn bị tăng gấp đôi số quân nhân tại Iraq lên 3.000 người trong khuôn khổ chiến dịch quốc tế chống IS do Washington dẫn đầu. Hai tháng trước, trong đoạn ghi âm được đăng tải trên mạng Internet, thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi cảnh báo, chiến dịch do Mỹ dẫn đầu sẽ thất bại và thậm chí chiến dịch này sẽ đưa các binh sĩ vào một cuộc chiến.

Tuy nhiên, Mỹ chưa bắt đầu chiến dịch mới thì IS đã “ra tay” trước. Điều đáng nói, cả Pháp lẫn Anh đều nghi ngờ trong số các tay súng của IS hành quyết Kassig và 18 quân nhân Syria có công dân hai quốc gia châu Âu này.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve ngày 17-11 nói rằng, các nhà chức trách đang phân tích đoạn băng và điều tra về Maxime Hauchard (22 tuổi) đến từ phía tây Paris. Trong khi đó, ông Ahmed Muthana ở Anh nghi ngờ Nasser Muthana, đứa con trai 20 tuổi của mình, có mặt trong nhóm chiến binh giết người.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.
.