Đến châu Á trong tuần này, Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn thuyết phục các đối tác nơi đây về việc cân bằng quan hệ ngoại giao ở khu vực, giữa lúc căng thẳng đang diễn ra ở Iraq, Syria và Ukraine.
Sau những ngày khó khăn với thất bại của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ, Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu đến Trung Quốc, Myanmar và Úc. Ảnh: AFP |
Các nhà phân tích cho rằng, cân bằng quan hệ ngoại giao ở châu Á là nội dung chính trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Barack Obama. Vì vậy, chuyến công du cũng thể hiện cam kết của ông trong việc thực hiện chiến lược “xoay trục” về châu Á. Theo đó, Tổng Obama ngày 9-11 bắt đầu lên đường đến Trung Quốc trong chuyến công du tập trung tháo gỡ mối quan hệ căng thẳng giữa Washington với Bắc Kinh. Người đứng đầu Nhà Trắng sau đó sẽ đến Myanmar và Úc.
Tuyên bố của Nhà Trắng được AFP trích dẫn cho biết, đến Bắc Kinh để tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC, Tổng thống Obama dự kiến có cuộc hội đàm riêng rẽ “thẳng thắn và sâu sắc” với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lúc có những căng thẳng về chính trị và kinh tế giữa hai bên.
Trong 18 tháng kể từ lần đầu tiên ông chủ Nhà Trắng gặp gỡ nhà lãnh đạo Bắc Kinh tại khu nghỉ mát Sunnylands ở California, quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới rơi vào căng thẳng do các vấn đề an ninh châu Á, tranh chấp chủ quyền, tranh chấp thương mại, an ninh mạng, v.v… Trong đó, đáng chú ý nhất là việc Trung Quốc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời chỉ trích việc Mỹ can thiệp vào sự tranh chấp này.
Theo tờ Washington Post, các quan chức Mỹ kỳ vọng Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thiết lập được nền tảng để thúc đẩy các thỏa thuận giữa hai bên dễ dàng hơn. Năm 2013, ông Obama bỏ lỡ Hội nghị APEC ở Bali (Indonesia) do phải tập trung đối phó với cuộc khủng hoảng ngân sách ở trong nước. Còn bây giờ là cơ hội để ông Obama chứng minh với Trung Quốc và các nhà lãnh đạo khác thấy rằng, dù gặp bất kỳ thách thức nào, từ việc chống các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS), khủng hoảng ở Ukraine, đến dịch Ebola, Mỹ không bị phân tâm và vẫn thực hiện đầy đủ cam kết ở châu Á.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN ở Myanmar, sau đó là cuộc gặp các nhà lãnh đạo G20 tại Brisbane, Úc. Tại Brisbane, ông sẽ gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có tân Tổng thống Indonesia Joko Widodo.
AP dẫn lời cố vấn cấp cao về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) Ernest Bower cho rằng, đây là chuyến công du đầy khó khăn của Tổng thống Obama khi ông vừa trải qua một tuần kém vui do thất bại của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ. Theo các nhà phân tích, mọi ánh mắt đang dồn về phía nhà lãnh đạo Mỹ, xem ông có thực hiện được các chương trình đối ngoại không, hay chỉ đơn thuần là lời nói. Ông Michael Green, cựu quan chức trong chính phủ của Tổng thống G.W.Bush, cho rằng cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua đã làm dấy lên nhiều quan ngại ở nước ngoài, từ New Zealand đến Trung Quốc, về việc Nhà Trắng có thật sự thúc đẩy chiến lược “xoay trục” hay “tái cân bằng quan hệ” như đã tuyên bố.
Trước đó, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice cũng khẳng định: Tổng thống vẫn cam kết với châu Á về chiến lược tái cân bằng và việc thực thi chiến lược này sẽ là ưu tiên hàng đầu trong suốt nhiệm kỳ 2. “An ninh và sự thịnh vượng của Mỹ ngày càng gắn bó chặt chẽ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ vẫn là một cường quốc châu Á - Thái Bình Dương”, bà Rice nói.
PHÚC NGUYÊN