ĐNĐT - Ngày 16-11, lãnh đạo các nước Mỹ, Nhật Bản và Úc đã kêu gọi thực hiện các giải pháp hòa bình trong tranh chấp biển đảo, một ngày sau khi Tổng thống Barack Obama đã cảnh báo sự nguy hiểm của các cuộc xung đột tại châu Á.
Từ trái sang phải: Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Úc Tony Abbott và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trước cuộc gặp gỡ ba bên bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brisbane, Australia, ngày 16-11-2014. Ảnh: AFP |
Trong một bản tuyên bố chung sau cuộc gặp gỡ 3 bên, bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Brisbane, Tổng thống Obama, Thủ tướng Tony Abbott và Thủ tướng Shinzo Abe đã thúc giục “tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp biển đảo phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Ba nhà lãnh đạo cho biết, họ cam kết trong việc làm sâu sắc hơn sự hợp tác an ninh vốn đã mạnh mẽ tại châu Á-Thái Bình Dương, vốn đã xuất hiện giữa lúc Trung Quốc đang bành trướng ngày càng quyết liệt hơn trong khu vực.
Hiện Bắc Kinh đang đối đầu với 4 quốc gia Đông Nam Á trên các hòn đảo và bãi đá ở Biển Đông, tranh chấp với Nhật Bản đối với nhóm đảo trên Biển Hoa Đông.
Trong một cuộc gặp gỡ bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brisbane, cả ba nhà lãnh đạo đều tuyên bố rằng, sự hợp tác của họ là nhằm đảm bảo một tương lai hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho châu Á-Thái Bình Dương.
“Sự hợp tác này dựa trên cơ sở không thể lay chuyển về lợi ích và giá trị cùng chia sẻ, kể cả một cam kết cho nền dân chủ và các nền kinh tế mở, nguyên tắc pháp luật và giải pháp hòa bình cho các tranh chấp”, tuyên bố nêu rõ.
Theo đó, 3 nhà lãnh đạo tái khẳng định sự hợp tác mang tầm toàn cầu và giá trị của sự cam kết sâu rộng của mình trên khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tổng thống Obama đã liên tục bác bỏ quan điểm cho rằng Mỹ chỉ chăm chú vào việc phá hoại sự trỗi dậy về kinh tế và chính trị của Trung Quốc, nhưng ông cũng đã nhấn mạnh Bắc Kinh phải là một bên có trách nhiệm trên vũ đài thế giới.
Trong một bài phát biểu tại Brisbane ngày 15-11, ông Obama đã cảnh báo về các nguy cơ xung đột ngoài dự kiến tại châu Á và thề rằng Washington sẽ vẫn “cắm chân” tại khu vực này. Tổng thống Mỹ cho rằng, trong khi đã có những tiến bộ vượt bậc tại châu Á kể từ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, thì khu vực vẫn còn những nguy cơ thực sự, như các tranh chấp về lãnh thổ, các hải đảo và đá ngầm ngoài khơi đe dọa sẽ lôi kéo các nước vào một sự đối đầu.
Thủ tướng Abe đã phát đi tín hiệu nôn nóng đẩy mạnh quan hệ quốc phòng với Washington và Canberra khi ông phát biểu trên tờ Australian Financial Review hôm thứ sáu (14-11) kêu gọi “một tương lai hòa bình, an ninh và thịnh vượng cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.
Quang Hiển (Theo CNA)