.

Mỹ xem xét đưa bộ binh vào cuộc chiến chống IS

.

Trong một dấu hiệu phản ánh chiều hướng can thiệp ngày càng sâu của chính quyền Barack Obama vào tình hình Iraq và Syria, ngày 13-11 giới chức Lầu Năm Góc cho biết họ đang cân nhắc khả năng sử dụng bộ binh vào cuộc chiến chống nhóm vũ trang "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.

Giới hoạch định chính sách Lầu Năm Góc đã và đang tích cực cân nhắc phương án sử dụng lực lượng bộ binh vào cuộc chiến chống nhóm IS ở Iraq và Syria.
Giới hoạch định chính sách Lầu Năm Góc đã và đang tích cực cân nhắc phương án sử dụng lực lượng bộ binh vào cuộc chiến chống nhóm IS ở Iraq và Syria.

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn phát biểu của Tướng bốn sao Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân Mỹ, trong cuộc điều trần trước Ủy ban Quân lực Hạ viện ngày 13-11 cho biết giới hoạch định chính sách Lầu Năm Góc đã và đang tích cực cân nhắc phương án sử dụng lực lượng bộ binh vào cuộc chiến chống nhóm IS ở Iraq và Syria. Cả Tướng Dempsey và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đều không đưa ra con số cụ thể mà chỉ cho biết, một khi có quyết định chính thức, lực lượng bộ binh Mỹ trực tiếp tham chiến cùng quân đội Iraq sẽ ở mức “khiêm tốn”, chứ không phải 150.000 quân như thời kỳ đỉnh cao của cuộc chiến Iraq 2003-2011.

Thông báo của giới chức Lầu Năm Góc với các nhà lập pháp được đưa ra chưa đầy một tuần sau quyết định của Tổng thống Barack Obama tăng hơn gấp đôi số cố vấn Mỹ tại Iraq, từ 1.400 người lên 3.000 người. Nhà Trắng cũng đề nghị Quốc hội khoản ngân sách 5,6 tỷ USD cho tài khóa 2015 cho cuộc chiến chống IS. Trong số tiền này có 3,4 tỷ USD chi cho các hoạt động quân sự và 1,6 tỷ USD giúp huấn luyện và trang bị cho các lực lượng an ninh Iraq.

Trả lời chất vấn của các nhà lập pháp, Tướng Dempsey thừa nhận tương quan sức mạnh giữa các tay súng IS với quân đội Iraq hiện đang nghiêng về phía IS. Mỹ cần phải giúp Iraq xây dựng lại 12 trung đoàn, với tổng số 80.000 quân, mới có thể đủ sức giành lại những vùng lãnh thổ đã bị mất vào tay IS. Tướng Dempsey kêu gọi “sự kiên nhẫn chiến lược” trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Hagel thì thừa nhận cuộc chiến chống các phần tử chủ chiến Hồi giáo thuộc IS tại Iraq và Syria là “khó khăn và lâu dài, có thể kéo dài trong nhiều năm”.

Trước đó, ông Hagel cũng đã có một cuộc điều trần tại Quốc hội cho rằng chiến dịch không kích chống IS đã thu được một số kết quả nhưng IS “tiếp tục là một nguy cơ đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia, các lợi ích của Mỹ và các đồng minh của Mỹ”. Sử dụng bộ binh vào cuộc chiến chống IS sẽ là sự thay đổi lớn so với cam kết xưa nay của chính quyền Obama “chống IS nhưng không đưa quân trở lại Iraq”.

TTXVN/Tin tức

;
.
.
.
.
.
.