.

NATO yêu cầu Mỹ tăng quân tới Đông Âu

.

ĐNĐT - NATO đã yêu cầu Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) chi viện thêm quân tới Đông Âu để bảo vệ châu Âu trước sự đe dọa của Nga, một động thái buộc Nga phải tính toán lại sách lược quân sự mới.

Vào tháng 6-2014, Tổng thống Mỹ, Barack Obama đã hứa một khoản ngân sách trị giá 1 tỉ USD đầu tư cho sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Đông Âu.  Ảnh: AFP
Vào tháng 6-2014, Tổng thống Mỹ, Barack Obama đã hứa một khoản ngân sách trị giá 1 tỉ USD đầu tư cho sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Đông Âu. Ảnh: AFP

Theo hãng tin RT, mặc dù hiện tại, có 750 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic, nhưng NATO vẫn cho là chưa đủ mạnh và yêu cầu Mỹ tăng thêm số binh sĩ tới Đông Âu.

Trong một buổi điểm tin tại Lầu Năm Góc vào ngày 2-11, Tướng Philip Breedlove, Chỉ huy tối cao của NATO tại châu Âu, cho biết: “Bởi vì áp lực mà chúng tôi cảm nhận tại Đông Âu hiện đang gia tăng, và bởi cần phải có các biện pháp đảm bảo mà chúng ta đang tiến hành tại Baltic, Ba Lan và Romania, chúng ta cần phải gia tăng sự hiện diện luân phiên”.

Trong một cuộc phỏng vấn của nhật báo Kommersant (Nga), đại diện khối quân sự Nga, Alexander Grushko, cho biết: “NATO không thể làm ngơ sự thật là một cơ cấu mạnh mẽ về quân số của liên minh này sẽ được các nhà chiến lược của chúng tôi đưa vào tính toán. Nga sẽ có các bước cần thiết để đẩy mạnh sự phòng thủ chống lại các nguy cơ có khả năng xảy ra”.

Đặc phái viên Alexandr cho rằng, quyết định tăng quân của NATO ở “cánh phía đông” và sự thật rằng NATO đang quay trở lại lập trường Chiến tranh Lạnh chống lại cái mà họ gọi là “kẻ thù số 1”, sẽ có một ẩn ý chính trị lâu dài.

Kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraine và đầu óc Chiến tranh Lạnh đã len lỏi vào quan hệ với Nga, NATO đã gia tăng sức mạnh quân sự tại Đông Âu. Nhất là, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình, khối này đã đẩy mạnh hơn nữa sự hiện diện của họ trên biên giới phía tây của Nga, gia tăng số lần bay quân sự sát với không phận của Nga.

Quan hệ giữa Nga và NATO đã xấu đi kể từ khi khối này cáo buộc Nga can thiệp nội tình Ukraine, một cáo buộc mà Nga luôn bác bỏ.

Quang Hiển (theo RT, RIA)

;
.
.
.
.
.
.