.

Nga và phương Tây vẫn bất đồng vụ MH17

.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11-11 đối mặt với sự tức giận của phương Tây xung quanh cuộc khủng hoảng ở Ukraine và vụ máy bay MH17 bị bắn rơi. Tuy nhiên, đến nay Nga kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc.

Thủ tướng Úc Tony Abbott (trái) gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh.  							           Ảnh: AFP
Thủ tướng Úc Tony Abbott (trái) gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP

Đúng như dự đoán của các nhà quan sát, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin có mặt tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tạo sự chú ý, trong lúc căng thẳng giữa Mátxcơva với phương Tây vẫn gia tăng.

Bất đồng giữa Mỹ với Nga

AFP cho biết, Tổng thống Putin đã có các cuộc gặp riêng rẽ với Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Úc Tony Abbott. Thậm chí, Nhà Trắng cho biết, ông Obama và ông Putin đã gặp gỡ trực tiếp 3 lần vào ngày 11-11, bên lề Hội nghị APEC. Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Bernadette Meehan nói với báo giới ở Bắc Kinh rằng, hai bên đề cập vấn đề Iran, Syria và Ukraine. Song, bất đồng lớn nhất giữa Mỹ với Nga chính là cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Theo AFP, khi diễn ra Hội nghị APEC tại Bắc Kinh, Nhà Trắng cảnh báo rằng, chính phủ của Tổng thống Putin, vốn chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu, đang bị cô lập. Trong bài phát biểu giữa tháng 10 vừa qua, ông Putin cáo buộc Tổng thống Mỹ có thái độ thù địch đối với Nga. Trước đó, tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Obama cho rằng, Nga có “hành động gây hấn” ở châu Âu. Lần này, phó cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes nói rằng, Washington bày tỏ “quan ngại về các hành động của Nga”. Cũng theo Ben Rhodes, các cuộc hội đàm ngắn tại Bắc Kinh là cơ hội để Tổng thống Obama kêu gọi Tổng thống Putin hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Quan hệ giữa Mỹ và Nga, dù được “cài đặt lại” trong những ngày đầu khi ông Obama nắm quyền, nhưng hiện trở nên căng thẳng do vấn đề Ukraine. Washington cho rằng, Mátxcơva đã và đang can thiệp quân sự vào Ukraine, đồng thời ủng hộ lực lượng ly khai ở phía đông nước này xa rời Kiev, mặc dù Điện Kremlin khẳng định cáo buộc của phương Tây hoàn toàn không có căn cứ.

Nga cáo buộc Ukraine can thiệp vào cuộc điều tra

Tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh APEC ngày 11-11 cho biết, Philippines sẽ là nước chủ nhà Hội nghị APEC vào năm 2015.

Trước khi diễn ra các cuộc gặp vào ngày 11-11, Thủ tướng Úc Tony Abbott từng cam kết sẽ chất vấn Tổng thống Putin về số phận của máy bay MH17. Chiếc máy bay của Hãng hàng không Malaysia mang số hiệu MH17, chở 298 hành khách, trong đó có nhiêu công dân Úc, bị bắn rơi ở đông Ukraine vào tháng 7 vừa qua, và Nga được cho là đứng sau vụ việc này. Văn phòng Thủ tướng Abbott nhấn mạnh về chứng cứ cho thấy tên lửa do Nga cung cấp cho lực lượng ly khai đã bắn hạ chiếc MH17 trên bầu trời đông Ukraine. Song, theo Điện Kremlin, sau khi vụ việc xảy ra, Tổng thống Putin đã yêu cầu phải điều tra khách quan, nhanh chóng và hiệu quả.

Tại Bắc Kinh, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã thúc giục nhà lãnh đạo Nga tạo điều kiện để các nhà chức trách tiếp cận hiện trường vụ tai nạn. Ông Razak nói rằng, còn nhiều việc phải làm trước khi vụ việc này kết thúc. Trong khi đó, theo Tổng thống Putin, Nga sẽ cùng Malaysia giải quyết vấn đề MH17. Ông cũng khẳng định việc tiếp cận hiện trường máy bay rơi là vấn đề mấu chốt. Song, ông chủ Điện Kremlin cáo buộc Ukraine đã can thiệp vào cuộc điều tra.

Theo AFP, sự tức giận của phương Tây gia tăng đối với Tổng thống Putin khi một số quốc gia cho rằng, ông không được tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế lớn của thế giới (G20) tại Brisbane (Úc) vào tuần này. Tuy nhiên, Thủ tướng Abbott muốn G20 tập trung bàn thảo vấn đề kinh tế; và các cuộc gặp gỡ với ông Putin diễn ra tại Bắc Kinh, thay vì ở Brisbane, để tìm câu trả lời về số phận MH17.
Các nhà quan sát cho rằng, Tổng thống Putin sẽ có mặt tại Brisbane.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.