.

Nhật - Trung Quốc tìm cách 'giảm nhiệt' tranh chấp biển

.

ĐNĐT - Đài NHK của Nhật Bản ngày 7-11 cho biết, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp gỡ vào tuần tới, sau hai năm xảy ra căng thẳng đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Nhật Bản,  Shinzo Abe sẽ gặp gỡ song phương bên lề APEC 2014 tại Bắc Kinh.  Ảnh: AFP
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe sẽ gặp gỡ song phương bên lề APEC 2014 tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP

NHK cho biết, hai nước đã đồng ý bố trí một cuộc gặp gỡ thượng đỉnh tại Bắc Kinh bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Trong một chương trình tin tức vào tối thứ sáu (7-11), Thủ tướng Abe đã thận trọng cho biết là hai nước đang chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ thượng đỉnh.

Theo đó, ông Abe nói thêm rằng, Tokyo sẽ nêu ra một cơ chế thông tin hàng hải trên các hòn đảo tranh chấp trên Biển Hoa Đông “nếu cuộc gặp gỡ thượng đỉnh diễn ra”.

“Thật không may, cánh cửa vẫn còn đóng. Nhưng chúng tôi đã thiết lập một môi trường có lợi để mở cánh cửa”, ông Abe nói.

Lâu nay Tokyo thúc ép Bắc Kinh cho một cuộc gặp gỡ nhưng Bắc Kinh lại từ chối, với cuộc đối đầu trong tranh chấp lãnh thổ và vẫn còn “những lấn cấn” trong lịch sử cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ hai.

Trong khi đó, Bắc Kinh đặt điều kiện cho cuộc gặp gỡ là Thủ tướng Abe phải thề không thăm đền thờ chiến tranh Yasukuni, nơi thờ những người chết trong cuộc chiến tranh Thế giới thứ Hai, trong đó có các tội phạm chiến tranh của Nhật Bản.

Bắc Kinh cũng đang kêu gọi Nhật Bản thừa nhận sự tồn tại trong tranh chấp nhóm đảo trên Biển Hoa Đông có tên gọi trong tiếng Nhật là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, nơi mà các tàu bán quân sự từ cả hai nước đã xảy ra nhiều vụ đối đầu trong những năm gần đây.

Tuy vậy, một tuyên bố bằng tiếng Anh của chính quyền Trung Quốc cho biết: “Hai bên đã thừa nhận rằng, các lập trường khác biệt đang tồn tại giữa họ trên cơ sở các căng thẳng nổi lên trong những năm gần đây qua tranh chấp nhóm đảo Điếu Ngư và một số vùng biển trên Biển Hoa Đông. Hai bên đã đồng ý ngăn ngừa tình hình leo thang bằng việc đối thoại và tham vấn cũng như thiết lập một cơ chế quản lý khủng hoảng để tránh những vụ việc bất ngờ”.

Hướng về tương lai nhưng không thay đổi lập trường

Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản hãy “trung thực đối mặt với lịch sử”, trong khi đó, Tokyo kêu gọi Bắc Kinh hãy nhìn về tương lai.

Hiện chưa bên nào chính thức nói tới một cuộc gặp gỡ thượng đỉnh, trong khi một tuyên bố trên trang tin của Bộ ngoại giao Trung Quốc cho rằng: “Về vấn đề tiếp xúc giữa các lãnh đạo Nhật Bản và Trung Quốc, chúng tôi hy vọng rằng, Nhật Bản sẽ tiếp tục chuyển động cùng hướng với Trung Quốc”.

Tuyên bố trên còn nói rằng, Nhật nên “có các bước đi cụ thể và tạo ra các nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ song phương, tạo ra một môi trường cần thiết cho việc tiếp xúc giữa hai lãnh đạo”.

Mặc dù cho rằng sự đối thoại là cần thiết, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản vào sáng 7-11 đã khẳng định rằng, Tokyo sẽ không cam kết các điểm về nguyên tắc là các tranh chấp biển đảo và lời hứa tránh xa đền Yasukuni.

“Lập trường của chúng tôi không thay đổi. Bởi vị, có các vấn đề khác biệt giữa hai nước. Điều quan trọng là các lãnh đạo phải đàm phán một cách thẳng thắn”, ông Yoshihido Suga nói.

Quang Hiển (Theo CNA)

;
.
.
.
.
.
.