Đây là câu hỏi lớn mà báo Le Monde cuối tuần đặt ra trên trang nhất. Tờ báo đăng lại một cuộc điều tra của tờ New York Times về điều kiện giam giữ mà 23 con tin phương Tây phải chịu từ năm 2012. Tựa đề bên trong của Le Monde gọi là địa ngục bí mật.
Người đàn ông che mặt nói giọng Bắc Mỹ trong video của tổ chức Nhà nước Hồi giáo phổ biến hồi tháng 9/2014. REUTERS/FBI/Handout. |
Bài báo cho biết trong số những con tin bị bắt, có năm người đã bị sát hại, ba người vẫn bị giam giữ, trong đó có một phụ nữ. Họ là những con tin của các quốc gia từ chối trả tiền chuộc.
Theo các nhân chứng, những con tin phương Tây thường xuyên bị đánh đập, dìm đầu vào bể nước, tại một loạt hệ thống nhà tù bất hợp pháp do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) dựng lên. Để tránh những đòn tra tấn dã man trên, họ tìm cách lấy lại hy vọng trong tôn giáo của đám đao phủ bằng việc cải đạo và lấy tên Hồi giáo.
Tại thời điểm nhà báo Mỹ James Foley bị bắt, tổ chức này chưa hùng mạnh. Sau hai năm, trong tay những kẻ thánh chiến này đã có 20 con tin phương Tây để đòi tiền chuộc. Các vụ bắt cóc ngày càng nhiều do nhiều nhóm khủng bố cạnh tranh tiến hành. Ngoài các địa điểm công cộng như những tiệm cà phê internet, các trạm kiểm soát cũng trở thành những cái bẫy nguy hiểm. Tại đó, đã có 7 công dân phương Tây bị bắt cóc.
Những kẻ khủng bố truy cập máy tính của các con tin, tìm hiểu đời tư và bằng chứng chứng minh họ hợp tác với các cơ quan tình báo phương Tây. Ban đầu, các biện pháp tra tấn dã man chưa có mục đích cụ thể nào. Chính những kẻ thánh chiến cũng không biết chúng sẽ làm gì với những con tin. Họ bị qua tay nhiều nhóm khác nhau, từ các nhóm nói tiếng Anh, sang các nhóm nói tiếng Pháp, theo kiểu thích thì tra tấn.
Cuối năm 2013, những kẻ thánh chiến bắt đầu tập trung con tin tại một địa điểm trong một bệnh viện. Ít nhất là 19 người đàn ông ở chung một phòng 20 m2 và 4 phụ nữ trong một phòng khác. Tất cả, trừ một người, đều là người châu Âu hoặc Bắc Mỹ.
Cũng từ thời gian này, những kẻ thánh chiến tìm cách thoát khỏi sự vô danh và vận hành theo kiểu nhà nước. Chúng tạo nên một chế độ quản lý phức tạp, trong đó có một tòa án, lực lượng cảnh sát, thậm chí cả một cơ quan bảo vệ người tiêu dùng. Cơ quan này đã từng buộc những người bán kebab đóng cửa vì bán hàng kém chất lượng.
Chính nỗi ám ảnh quyền lực này cũng đổ lên đầu những con tin. Sau nhiều tháng không đòi hỏi, đột nhiên, chúng nghĩ tới cách kiếm tiền chuộc. Từ tháng 11/2013, mỗi con tin phải cung cấp cho chúng địa chỉ thư điện tử của một người thân để chúng gửi thư đe dọa.
Sau đó, chúng bắt đầu chọn con tin theo việc quốc gia có công dân bị bắt có dễ trả tiền chuộc hay không. Những con tin người Tây Ban Nha được ưu tiên hàng đầu. Ngoài thù hận với nước Mỹ, chúng cũng nhận ra rằng Mỹ và Anh là những nước sẽ không chịu trả tiền chuộc.
Các cuộc thương lượng càng kéo dài, điều kiện sống của con tin càng khốn khổ. Hàng ngày, họ chỉ nhận được khoảng một chén thức ăn. Họ chỉ có một tấm chăn mà không có đệm. Một vài con tin tận dụng quần áo cũ kết thành gối.
Chật chội, bức bối, đôi khi họ quay sang kình lộn nhau. Để vượt qua được mùa đông Syria, những con tin tìm cách giữ hy vọng. Họ sáng tạo ra những trò chơi từ những gì có trong tay, hay diễn lại những bộ phim mà họ đã xem hoặc nói chuyện về những chủ đề mà họ nắm rõ.
Cuối tháng 5/2014, khi thấy bạn tù của mình được trả tự do, những con tin cuối cùng bắt đầu lo lắng. Họ hiểu ra rằng, số phận của họ phụ thuộc rất nhiều vào mầu sắc cuốn hộ chiếu. Vào tháng 6, còn lại 7 con tin: 4 người Mỹ và 3 người Anh. Họ đều là công dân những nước từ chối trả tiền chuộc.
Tổng cộng, còn 15 con tin được trả tự do từ tháng 3 tới tháng 6, với số tiền chuộc trung bình khoảng 2 triệu euro. Hiện tại, còn ba con tin, trong đó có hai người Mỹ (một nam, một nữ) và một người Anh. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã thông báo Kassig, một người Mỹ, sẽ là người tiếp theo trên danh sách hành hình.
Theo RFI