.
Thế giới tuần qua

Cuộc bầu cử vẽ lại bản đồ Ukraine

.

Có thể gọi hai cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống ở Donetsk và Lugansk là hai cuộc bầu cử vẽ lại bản đồ Ukraine, chia đất nước này làm hai.

Các khu vực ly khai ở phía đông Ukraine, gồm 364 điểm bầu cử ở Donetsk, 3 điểm bầu cử tại Nga dành cho người tản cư, 90 điểm bầu cử tại Lugansk và 5 điểm bầu cử di động ở Nga đã tiến hành bỏ phiếu vào ngày 2-11, bất chấp sự phản đối của chính phủ Kiev, Mỹ và châu Âu.

Nhà lãnh đạo lâm thời của Donetsk, ông Alexander Zakharchenko (thứ hai, từ phải sang), sẽ trở thành Tổng thống của khu vực ly khai này. Ảnh: AFP
Nhà lãnh đạo lâm thời của Donetsk, ông Alexander Zakharchenko (thứ hai, từ phải sang), sẽ trở thành Tổng thống của khu vực ly khai này. Ảnh: AFP

Donetsk và Lugansk hiện nằm trong sự kiểm soát của quân ly khai thân Nga. Các thủ lĩnh ly khai tuyên bố, họ không cần tuân thủ luật pháp của Ukraine vì Donetsk và Lugansk đều là các nền cộng hòa độc lập. Vì vậy, những khu vực này không hề tham gia cuộc tổng tuyển cử do Kiev tổ chức vào tuần trước. Giới phân tích cho rằng, cuộc bầu cử tại những nơi đây sẽ làm khủng hoảng quốc tế xung quanh vấn đề Ukraine càng thêm sâu sắc.

Lo ngại này hoàn toàn có cơ sở trong lúc quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây rơi vào tình trạng giá băng. Hơn nữa, việc bầu cử diễn ra ngay sau khi Ukraine tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn và các đảng thân phương Tây còn chưa kịp vui mừng chiến thắng.  

Theo ông Roman Lyagin, một quan chức Ủy ban Bầu cử khu vực Donetsk, cuộc bỏ phiếu ngày 2-11 có ý nghĩa quan trọng bởi sự kiện này sẽ mang lại quyền hợp pháp và tạo ra khoảng cách ngày càng lớn giữa hai vùng đất tự trị này với chính phủ Kiev. Dự kiến ông Alexander Zakharchenko, đứng đầu chính quyền lâm thời ở Donetsk, sẽ trở thành Tổng thống; và nhà lãnh đạo mới ở Lugansk sẽ là Igor Plotnitsky.

Song, nếu Donetsk và Lugansk thật sự tách khỏi Ukraine sẽ là “đòn đau” đối với quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ này, sau khi đã để “tụt tay” bán đảo Crimea. Mất mát của Ukraine về phương diện địa chính trị là điều có thể thấy rõ nhất. Mất mát của Ukraine cũng là “đòn đau” đối với Mỹ và phương Tây.

Trong cuộc điện đàm 4 bên ngày 31-10, các nhà lãnh đạo Ukraine, Đức và Pháp đều thúc giục Tổng thống Nga Vladimir Putin không công nhận kết quả bỏ phiếu. Mỹ cũng như Liên minh châu Âu (EU) cho rằng, cuộc bầu cử bất hợp pháp và chắc chắn sẽ thổi bùng hơn nữa căng thẳng giữa Nga với phương Tây.

Ukraine chỉ trích cuộc bầu cử vi phạm thỏa thuận Minsk mà nước này đã ký với Nga hồi đầu tháng 9, làm nền tảng cho việc ngừng bắn giữa lực lượng ly khai với quân đội Ukraine. Tuy nhiên, theo Bộ Ngoại giao Nga, chính thỏa thuận Minsk đã dự đoán các cuộc bầu cử địa phương tại những khu vực do phiến quân nắm giữ sẽ diễn ra từ ngày 19-10 đến 3-11.

Trong một tuyên bố, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Bernadette Meehan nói rằng, Washington đã cảnh báo Nga không dùng kết quả bỏ phiếu làm cái cớ để tiến hành các động thái quân sự ở Ukraine. Đến nay, Mỹ, EU và cả Kiev đều cáo buộc Nga đứng sau cuộc khủng hoảng tại đông Ukraine mặc dù Mátxcơva kiên quyết bác bỏ điều này.

Chính phủ Ukraine muốn thân châu Âu nhưng vấp phải sự ngăn cản của Nga. Thực tế, Mátxcơva không muốn Kiev gia nhập EU, để tránh hàng hóa của liên minh già cỗi vào thị trường nước này.

Chưa rõ nếu bản đồ của Ukraine phải được vẽ lại thì các biện pháp trừng phạt tiếp theo của Mỹ và EU nhằm vào Nga sẽ như thế nào.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.
.