Iran nói rằng, việc đạt được một thỏa thuận hạt nhân với nhóm 6 cường quốc trước giờ G. (thời hạn cuối vào ngày 24-11) là điều không thể.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đến Vienna (Áo) để tham gia vòng đàm phán cuối cùng. Ảnh: Reuters |
Hãng thông tấn ISNA ngày 23-11 dẫn lời một thành viên trong đoàn đàm phán của Iran xác nhận việc khó có thể đạt được một thỏa thuận tại Vienna (Áo) theo đúng lịch trình. “Vì vậy, việc gia tăng thời hạn đàm phán sẽ được đặt ra và chúng tôi sẽ bắt đầu thảo luận nếu không đạt được thỏa thuận trong đêm 23-11”, quan chức này nói.
Vòng cuối cùng đàm phán giữa Iran với P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) được bắt đầu từ ngày 20-11, với mục tiêu đặt ra là Tehran phải ngừng chương trình hạt nhân để được nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Đàm phán cũng được kỳ vọng giải quyết bế tắc kéo dài giữa Iran với phương Tây, đồng thời loại bỏ nguy cơ một cuộc xung đột cho khu vực Trung Đông.
Theo phương Tây, các nhà đàm phán Iran không thể hiện sự linh hoạt. Bất đồng sâu sắc nhất giữa hai bên vẫn là quy mô làm giàu uranium của Iran và tiến độ nới lỏng lệnh trừng phạt cho nước Cộng hòa Hồi giáo này. Thực tế, Iran luôn bác bỏ cáo buộc của phương Tây cho rằng nước này đang tìm kiếm việc phát triển khả năng chế tạo bom hạt nhân.
Thay vào đó, Tehran khẳng định việc làm giàu uranium chỉ mang mục đích hòa bình. Ngoài ra, Tehran khó đáp ứng được những điều kiện mà P5+1 đưa ra, trong đó có việc cung cấp hồ sơ nghiên cứu bom hạt nhân và giảm các máy ly tâm…
Theo Reuters, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã không ngại ngần thừa nhận còn “những cách biệt lớn” để tiến đến thỏa thuận. Các nhà ngoại giao châu Âu cũng cho rằng, việc đạt được một thỏa thuận vào ngày 24-11 rất đỗi mong manh.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đánh giá các cuộc đàm phán mang tính xây dựng nhưng không thể khỏa lấp thực tế: còn những khác biệt lớn về nhiều khía cạnh. Riêng ông Kerry đã phải hoãn chuyến đi đến Paris (Pháp) để ở lại Vienna gặp gỡ Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif vào chiều 22-11. Chỉ trong 3 ngày, hai quan chức này có đến 4 cuộc gặp gỡ nhưng hy vọng mang lại sự đột phá thì ít ỏi.
Có mặt tại Vienna, Ngoại trưởng Đức Steinmeier cho rằng, điều cốt lõi của thỏa thuận là Iran có thật sự đi đúng hướng hay không, tức phải từ bỏ các hoạt động nghiên cứu theo hướng phát triển vũ khí hạt nhân. Nếu đạt được thỏa thuận sẽ hâm nóng mối quan hệ giữa Iran với phương Tây. Trong trường hợp ngược lại, căng thẳng sẽ càng gia tăng và có thể dẫn đến thêm các biện pháp trừng phạt, thậm chí đối đầu, xung quanh chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Iran.
Song hơn hết, nếu đàm phán ở Vienna thất bại, cả Tổng thống Mỹ Barack Obama lẫn Tổng thống Iran Hassan Rouhani đều phải đối mặt với những áp lực từ phe đối lập trong nước. Đảng Cộng hòa đang kiểm soát cả hai viện Quốc hội Mỹ dọa sẽ gia tăng trừng phạt Iran và dù ông Obama có quyền phủ quyết nhưng khả năng bị trừng phạt bổ sung có thể kéo Tehran ra khỏi bàn nghị sự. Còn tại Iran, Quốc hội nước này hồi đầu tháng đã ra tuyên bố yêu cầu Tổng thống Rouhani và Ngoại trưởng Zarif bảo vệ quyền sở hữu hạt nhân của đất nước, đồng thời đảm bảo việc dỡ bỏ các biện pháp cấm vận.
Các nhà ngoại giao hàm ý sẽ tiếp tục đàm phán. Tuy nhiên, những cảnh báo được đặt ra rằng, nếu gia tăng thời hạn thì sẽ đẩy cuộc đối thoại vào vòng luẩn quẩn không có hồi kết và cũng chẳng biết khi nào mới có được thỏa thuận cuối cùng.
VĨNH AN