.

Thủ tướng Shinzo Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp gỡ song phương

.

ĐNĐT - Sáng 10-11, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp gỡ đầu tiên kể từ khi ông Abe lên nắm quyền cách đây hai năm. Một cuộc gặp chỉ kéo dài nửa giờ và kết quả theo như ông Abe cho biết, hai bên đã “có các bước đầu tiên” trên con đường cải thiện các mối quan hệ.

Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp gỡ mặt đối mặt vào sáng 10-11-2014 bên  lề Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP
Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp gỡ vào sáng 10-11 bên lề Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Tại cuộc gặp gỡ ngày hôm nay ở Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh, Thủ tướng Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình đã bắt tay nhau, một sự việc mang đầy tính biểu tượng.

Đây là cuộc gặp gỡ mặt đối mặt lần đầu tiên kể từ khi cả hai ông lên nắm quyền và trải qua hai năm căng thẳng mà giới quan sát cảnh báo rằng, có thể dẫn tới xung đột vũ trang.

“Đây là bước đi đầu tiên cho việc cải thiện quan hệ bằng việc quay trở lại điểm xuất phát của quan hệ song phương có lợi trên cơ sở các lợi ích chiến lược chung”, Thủ tướng Abe phát biểu sau cuộc gặp ngắn ngủi bên lề Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo đã rơi xuống điểm thấp nhất bởi hai bên đã xảy ra đối đầu căng thăng xuất từ các tranh chấp về quyền sở hữu đối với nhóm đảo trên Biển Hoa Đông có tên gọi là Senkaku/Điếu Ngư. Nhóm đảo này hiện do Nhật Bản quản lý, trong khi Trung Quốc liên tục tuyên bố chủ quyền lãnh thổ.

Nhóm đảo trên đã trở thành nơi diễn ra các cuộc đối đầu thường xuyên giữa các tàu chiến, máy bay của cả hai nước, dẫn tới cảnh báo rằng, một sơ suất cũng có thể dẫn tới xung đột quân sự, vốn sẽ lôi kéo sự can thiệp của Mỹ.

Phát biểu trước báo giới về việc thiết lập đường dây nóng quân sự mà Nhật Bản luôn thúc giục Trung Quốc, ông Abe cho biết: “Tôi đã yêu cầu ông ấy rằng, chúng tôi sẽ thực hiện một cơ chế thông tin hàng hải và tôi nghĩ rằng, chúng tôi sẽ bắt đầu làm việc về các bước đi cụ thể cho việc này”.

Trong khi đó, một bản tuyên bố bằng tiếng Anh của chính quyền Trung Quốc cho biết: “Hai bên đã thừa nhận có tồn tại sự khác biệt về lập trường giữa họ trên cơ sở các căng thẳng đã nổi lên trong những năm gần đây qua nhóm đảo Điếu Ngư và một số vùng biển trên Biển Hoa Đông”.

Theo đó, tuyên bố cũng cho biết, hai bên đã đồng ý ngăn ngừa sự leo thang của tình hình bằng cách đối thoại  và tham vấn cũng như thiết lập một cơ chế quản lý khủng hoảng nhằm tránh các vụ việc bất ngờ”.

Quang Hiển (Theo CNA)

;
.
.
.
.
.
.