.

Triều Tiên dọa thử hạt nhân

.

Một lần nữa CHDCND Triều Tiên dọa thử hạt nhân để đáp trả nghị quyết của Liên Hợp Quốc (LHQ) sắp được ban hành chỉ trích nước này “vi phạm nhân quyền”.

Ông Choe Myong-nam, quan chức thuộc Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên, cho rằng nghị quyết của Ủy ban nhân quyền LHQ khiến Bình Nhưỡng có thể không kiềm chế một vụ thử hạt nhân. Ảnh: AP/BBC
Ông Choe Myong-nam, quan chức thuộc Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên, cho rằng nghị quyết của Ủy ban nhân quyền LHQ khiến Bình Nhưỡng có thể không kiềm chế một vụ thử hạt nhân. Ảnh: AP/BBC

Ngày 20-11, Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên mô tả nghị quyết của LHQ chỉ trích Bình Nhưỡng vi phạm nhân quyền là “sự khiêu khích chính trị nghiêm trọng”.

Theo tuyên bố của cơ quan ngoại giao của CHDCND Triều Tiên, nghị quyết đã được Mỹ dàn xếp và được Liên minh châu Âu (EU) cùng Nhật Bản soạn thảo.

Theo đó, quốc gia phía Bắc trên bán đảo Triều Tiên đe dọa sẽ “thúc đẩy khả năng chiến tranh” và tiến hành thử hạt nhân lần 4 để đối phó với những gì mà nước này gọi là “thái độ thù địch của Mỹ”.

Nghị quyết mới được Ủy ban nhân quyền của LHQ thông qua (với 111 phiếu thuận, 19 phiếu chống và 55 phiếu trắng), còn phải trình Đại hội đồng LHQ, nhưng như vậy cũng đã được cho là “mối đe dọa lớn đối với CHDCND Triều Tiên”.

Bởi lẽ, nghị quyết là tiền đề để LHQ điều tra nhằm đưa các lãnh đạo của Bình Nhưỡng ra Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) với cáo buộc “vi phạm nhân quyền”. Hơn nữa, đây là lần đầu tiên một nghị quyết của LHQ nhằm vào nhà lãnh đạo tối cao của quốc gia châu Á này, ông Kim Jong-un.

“Hành động khiêu khích của Mỹ khiến chúng tôi không thể kiềm chế một vụ thử hạt nhân mới”, Hãng thông tấn KCNA dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên nói.

Các nhà phân tích cho rằng, có thể CHDCND Triều Tiên sẽ không tiến hành thử hạt nhân. Với một vụ thử như thế, Bình Nhưỡng không những sẽ vấp phải chỉ trích của quốc tế mà còn làm chệch hướng nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài cũng như những viện trợ để phục hồi kinh tế, trong lúc đàm phán 6 bên chưa có dấu hiệu nối lại.

Đàm phán 6 bên liên quan đến vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, với sự tham dự của hai miền Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản, bị đình trệ từ cuối năm 2008 đến nay.

Trung Quốc và Nga vốn nắm giữ quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ sẽ không để cơ quan này đưa vấn đề của CHDCND Triều Tiên ra ICC. Song, theo chuyên gia của CHDCND Triều Tiên tại Đại học Kyungnam (Hàn Quốc) Lim Eul Chul, Bình Nhưỡng biết rõ cả hai nước này đều không muốn thấy có thêm một vụ thử hạt nhân nào ở phía Bắc trên bán đảo Triều Tiên. Thực tế, Trung Quốc, Nga và các nước như: Iran, Syria, Venezuela, Cuba, Belarus… đã bỏ phiếu chống nghị quyết nói trên.

Các vụ thử hạt nhân vào năm 2006, 2009 và 2013 của CHDCND Triều Tiên đều kéo theo các biện pháp trừng phạt. Và vụ thử thứ 4 nếu xảy ra sẽ là sự đáp trả đối với áp lực của quốc tế (do Mỹ dẫn đầu) trong việc yêu cầu Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

Đe dọa thử hạt nhân lần thứ 4 được đưa ra khi một viện nghiên cứu của Mỹ công bố bằng chứng mới cho thấy CHDCND Triều Tiên có lẽ đang tái khởi động một nhà máy tại cơ sở Yongbyon có thể tái xử lý nhiên liệu hạt nhân sang plutonium cấp độ vũ khí. Thời gian gần đây, Bình Nhưỡng được cho là đã có đủ plutonium để chế tạo 6 quả bom.

Trong khi đó, Yonhap cho biết, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố: CHDCND Triều Tiên không nên có thêm bất kỳ hành động khiêu khích nào và lực lượng vũ trang của Seoul hiện sẵn sàng ở mức cao nhất. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Noh Kwang-il, nếu Bình Nhưỡng tiến hành thêm một vụ thử hạt nhân thì sẽ vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ và đối mặt với phản ứng nghiêm khắc của cộng đồng quốc tế.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.