.

Cựu Tổng thống Pháp Sarkozy trở lại

.

Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử thủ lĩnh của Đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP), đảng đối lập lớn nhất quốc gia này. Đây là một bước đi chính trị đầy tiềm năng để ông Sarkozy trở lại làm Tổng thống vào năm 2017, dù cựu lãnh đạo này vẫn chưa có tuyên bố chính thức về con đường đến Điện Elysée.

Cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy sau khi bỏ phiếu tại thủ đô Paris. Ảnh: THX
Cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy sau khi bỏ phiếu tại thủ đô Paris. Ảnh: THX

Làm Tổng thống từ năm 2007-2012, sau khi thất bại trong cuộc bầu cử trước ông Francois Hollande của Đảng Xã hội vào năm 2012, ông Sarkozy từng tuyên bố không liên quan đến chính trị. Nhưng cựu lãnh đạo này gây bất ngờ vào tháng 9 vừa qua khi hàm ý sẽ trở lại chính trường.

Lần này, ông Sarkozy giành được 64,5% số phiếu, theo sát ông là Bruno le Maire, cựu Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Ngư nghiệp. Ông Maire chỉ nhận được gần 29,2% số phiếu và người về thứ ba, nghị sĩ Herve Mariton, chỉ có 6,3%.

Trong khi đó, các nhà quan sát cho rằng, ông Sarkozy cần ít nhất 70% số phiếu để đánh bại các đối thủ và nắm chắc phần thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2017. Năm 2004, khi tranh cử lãnh đạo UMP, ông Sarkozy giành được đến 85% số phiếu. Vì vậy, 64,5% số phiếu là kết quả đáng thất vọng.
Theo các nhà phân tích, có rất nhiều rào cản mà ông Sarkozy phải vượt qua nếu muốn trở lại Điện Elysée.

Từ nay đến năm 2016, UMP có 2 năm để chọn ứng viên ra tranh cử. Và ông Sarkozy đối mặt với ít nhất 2 ứng viên nặng ký là Alain Juppe và Francois Fillon, đều là cựu Thủ tướng. Theo đó, cuộc đua của “những người khổng lồ” sẽ bắt đầu vào năm 2016.

Vấn đề thứ hai phải kể đến là tuổi tác. Cựu Tổng thống Sarkozy đã bước sang tuổi 59 nên nhiều người cho rằng, ông không còn trẻ để tìm lại ánh hào quang. Hơn nữa, nhiều cử tri Pháp không mặn mà với đời tư hào nhoáng của ông Sarkozy, nhất là khi ông dính nghi án tham nhũng và nhận tài trợ từ cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi.

Thành ra, ưu thế của ông Sarkozy là sự ủng hộ của Tổng thống đương nhiệm Francois Hollande. Ông Hollande đang mất dần sự tín nhiệm, tỷ lệ ủng hộ giảm sút khi thực hiện chính sách tăng thuế, bức tranh kinh tế ảm đạm và thất bại trong việc đối phó với giải quyết tình trạng thất nghiệp. Các thăm dò cũng cho thấy, ông Hollande là nhà lãnh đạo Pháp ít được yêu thích nhất trong lịch sử hiện đại của đất nước này, phần lớn do không thực hiện được cam kết giảm tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức hai chữ số.

Cựu Tổng thống Sarkozy nói rằng sẽ tái đoàn kết UMP và đưa đảng này trở lại nắm quyền. “Cuộc bầu cử này đánh dấu sự khởi đầu mới cho gia đình trị của chúng tôi. Chúng ta phải đoàn kết và cống hiến để tìm những giải pháp mới cho nước Pháp”, ông viết trên trang facebook của mình.

Trong lúc này, nội bộ UMP bị chia rẽ sâu sắc sau những tranh cãi về người lãnh đạo đảng, ông Jean-Francois Cope. Ông này đã từ chức vào mùa hè vừa qua do vướng scandal quỹ của đảng.  
AFP dẫn lời Andrew Knapp, chuyên gia chính trị Pháp tại Đại học Reading của Anh, cho rằng ông Sarkozy muốn “đáp trả” việc đã thất bại trong cuộc bầu cử năm 2012 và chiến thắng lần này chỉ là trận thắng đầu tiên trong đường đua.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.
.