Các cuộc đàm phán marathon giữa Ukraine với lực lượng ly khai kết thúc mà không đạt được tiến triển. Thời gian của vòng đàm phán mới nhằm chấm dứt xung đột ở đông Ukraine chưa được ấn định.
Các binh sĩ Ukraine canh giữ gần làng Debaltseve, khu vực Donetsk, đông Ukraine. Ảnh: AP |
Cuộc gặp gỡ thứ hai giữa Ukraine, quân ly khai, Nga cùng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) dự kiến diễn ra vào hôm nay (26-12) để ký những thỏa thuận cuối cùng. Tuy nhiên, đại diện quân ly khai nhấn mạnh rằng, họ không thể hứa có nối lại hòa đàm hay không, sau khi ngày đàm phán đầu tiên kéo dài hơn 5 tiếng đồng hồ ngày 24-12 tại thủ đô Minsk của Belarus không mang lại kết quả nào.
“Chúng tôi đã có một cuộc họp sơ bộ khó khăn”, đại diện Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng Denis Pushilin nói. Ông này cho biết thêm, thời gian cho cuộc họp tới vẫn đang được thảo luận và ông không thể tiết lộ cụ thể nội dung được bàn thảo. Trong khi đó, lãnh đạo Cộng hòa nhân dân Donetsk Alexander Zakharchenko nói rằng, vòng đàm phán thứ hai “vẫn ở phía trước”.
AP cho biết, đàm phán tập trung việc khôi phục thỏa thuận ngừng bắn vốn được ký kết vào đầu tháng 9 vừa qua, rút vũ khí hạng nặng và trao đổi tù binh chiến tranh. Thỏa thuận hồi tháng 9 không được giám sát phù hợp nên xung đột tiếp diễn. Chính phủ Kiev và quân ly khai cứ đổ lỗi lẫn nhau, cáo buộc đối phương tấn công trước. Theo AFP, các bên có mặt ở Minsk lần này vẫn giữ quan điểm khác biệt mặc dù chính phủ Kiev rất muốn ổn định tình hình ở phía đông để thực hiện cải cách kinh tế, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng trì trệ cũng như tiếp nhận viện trợ của thế giới.
Điều đáng nói là trong một tháng qua, sự đối đầu, xung đột giảm hẳn nhưng căng thẳng mới đã diễn ra xung quanh các cuộc gặp gỡ vừa được nối lại. Chỉ một ngày trước đàm phán, tức ngày 23-12, Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu thông qua việc ngừng quy chế không liên kết, mở đường để nước này có thể trở thành thành viên của NATO - điều mà Nga không hề mong muốn.
Các quan chức Kiev cho rằng, động thái của Quốc hội không có nghĩa là việc Ukraine mong muốn gia nhập NATO ngay lập tức được đặt lên bàn nghị sự, bởi quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ phải tập trung cải cách để đáp ứng các tiêu chí thành viên.
Tuy nhiên, Nga vẫn phản đối mạnh mẽ việc hủy bỏ quy chế không liên kết. Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov nhận định bước đi này sẽ chỉ làm vấn đề thêm phức tạp, đồng thời chỉ trích NATO đang biến Ukraine thành một mặt trận đối đầu. “Nếu quyết định gia nhập NATO được thực hiện trong tương lai, chúng tôi sẽ cắt đứt mọi quan hệ với liên minh. Nếu điều này xảy ra thì quan hệ sẽ không thể hàn gắn”, ông Antonov nói.
Dù vậy, theo chính sách mở rộng của NATO, liên minh quân sự không thể chấp nhận tư cách thành viên của Ukraine trong lúc xung đột trên lãnh thổ nước này vẫn chưa được giải quyết.
Thống kê của Liên Hợp Quốc cho hay, kể từ khi xung đột bùng phát ở đông Ukraine vào tháng 4 đến nay đã làm hơn 4.700 người chết, hơn 10.300 người khác bị thương. Trong đó, chỉ tính từ khi có thỏa thuận ngừng bắn hồi đầu tháng 9 đến nay, hơn 1.350 người đã thiệt mạng.
Hiện tại, chính phủ Kiev vẫn từ chối xem xét việc nối lại các khoản phúc lợi cho người dân Ukraine ở những vùng do lực lượng ly khai kiểm soát. Các khoản này bị cắt sau khi khu vực phía đông tiến hành bầu cử vào ngày 2-11 vừa qua.
PHÚC NGUYÊN