ĐNĐT - Từ hôm nay (24-12), Hiệp ước LHQ về buôn bán vũ khí toàn cầu chính thức có hiệu lực. Sự kiện là dấu mốc quan trọng trong cuộc chiến chống lạm dụng vũ khí vào các mục đích phi nhân đạo.
Ông Ban Ki-moon, Tổng thư ký LHQ - Ảnh: Reuters |
Theo đó, hôm qua (23-12), Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) tuyên bố, sau 2 năm đeo đuổi, việc chính thức đưa vào thực hiện những quy ước chung về mua bán vũ khí toàn cầu thể hiện cam kết tích cực của các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các hiệp hội dân sự trong vấn đề “chấm dứt chuyển giao vũ khí vô trách nhiệm”.
Tới nay, có 60 quốc gia có văn bản cam kết thực hiện hiệp ước. Trong đó, có 5 trong số 10 nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới là Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha và Anh.
129 quốc gia khác đã ký thỏa thuận sẽ tham gia nhưng chưa có văn bản chính thức đồng thuận, trong số đó có Mỹ, nhà sản xuất và xuất khẩu vũ khí lớn nhất.
Ông Ban Ki-moon kêu gọi tất cả các nước chưa chính thức cam kết hành động hãy tham gia ngay mà “không trì hoãn nữa”.
Theo đó, tất cả những nước đã ký văn bản đồng thuận hiệp ước sẽ thiết lập những nguyên tắc riêng của từng nước trong việc kiểm soát quá trình giao dịch vũ khí và khí tài, kiểm soát các nhà thầu vũ khí.
Hiệp ước cũng nghiêm cấm giao dịch vũ khí trong trường hợp vi phạm các lệnh cấm vận vũ khí, kích động nạn diệt chủng, các tội ác phi nhân tính hay các tội ác chiến tranh, việc sử dụng vũ khí trong các cuộc tấn công thường dân hoặc tấn công vào các khu nhà dân sinh như trường học và bệnh viện.
Giao dịch thương mại vũ khí toàn cầu ước tính đem lại lợi nhuận thường niên từ 60 tỉ - 80 tỉ USD. Tuy nhiên theo tổ chức Amnesty International, đơn vị vận động thực thi hiệp ước từ đầu những năm 1990, giá trị các giao dịch vũ khí quốc tế ngầm có thể lên tới 100 tỉ USD mỗi năm.
Theo AP, với hiệp ước này, LHQ hy vọng góp phần cứu sống và bảo vệ được nhiều người dân vô tội hơn khi vũ khí phần nào bị kiểm soát, không rơi vào tay các lực lượng độc tài và vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới.
D. KIM THOA