.

Kinh tế Nga chật vật trong khủng hoảng

.

Kinh tế Nga sụt giảm 0,5% trong tháng 11-2014. Điều này minh chứng kinh tế của xứ sở bạch dương đối mặt với suy thoái và năm 2014 là năm đầy khó khăn cho Mátxcơva.

Hãng tin Bloomberg ngày 29-12 cho biết, trong tháng 11-2014, kinh tế của Nga sụt giảm lần đầu tiên trong 5 năm qua giữa lúc giá dầu xuống dốc, đồng thời Mátxcơva đang chật vật đương đầu với các biện pháp cấm vận của Mỹ và châu Âu. Theo đó, GDP của Nga trong tháng 11 giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ Kinh tế Nga cũng đã xác nhận thông tin trên trang web của cơ quan này.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nhận định: kinh tế của nước xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới sẽ đối mặt với cuộc suy thoái đầu tiên kể từ năm 2009 đến nay. Theo ông, kinh tế của Nga có thể giảm 4% trong năm tới nếu giá dầu dao động quanh mức 60 USD/thùng, thâm hụt ngân sách cũng sẽ tương đương 3% GDP.

Việc giá dầu thế giới biến động mạnh đang là bài toán khó đặt ra cho xứ sở bạch dương bởi kinh tế nước này phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Nga dự đoán tăng trưởng kinh tế có thể giảm 4,8% vào năm tới, khả năng phục hồi mong manh và sẽ không diễn ra trước năm 2017.

Ngày 29-12, giá trị đồng rúp giảm hơn 6% (57 rúp đổi được 1 USD). Như vậy, trong năm nay, đồng rúp đã giảm 45% giá trị so với đồng USD, nguyên nhân được cho là do giá dầu thế giới giảm xuống một nửa trong 6 tháng cuối năm 2014. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev từng cảnh báo, nước ông đang phải đối mặt trước nguy cơ rơi vào “tình trạng suy thoái sâu”. Song, báo Wall Street Journal ngày 30-12 đăng tải bài viết nhận định rằng, chính Điện Kremlin và các chuyên gia kinh tế phương Tây cũng không ngờ nền kinh tế Nga lại có dấu hiệu suy thoái vào quý 4 như thế.

Theo giới phân tích, nếu không thể ngăn được tốc độ mất giá của đồng rúp, Nga có thể dựa vào các biện pháp kiểm soát tài chính đặc biệt và không có cách nào khác hơn là phải nhờ các gói hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Hiện tại, chính phủ của Thủ tướng Medvedev đã có nhiều giải pháp bình ổn kinh tế, trong đó có việc ký các thỏa thuận hợp tác năng lượng với các đối tác mới - thị trường mới (thay vì tiếp tục hướng thị trường sang Mỹ và châu Âu). Song, chưa rõ những giải pháp này sẽ mang lại hiệu quả ra sao.

Tình trạng kinh tế lao đao của Nga xuất phát từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kéo theo sự đối đầu gay gắt giữa Mátxcơva với phương Tây. Các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước Nga tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: năng lượng, quốc phòng và tài chính. Điều đáng nói là kinh tế Nga sẽ khó hồi phục nếu khủng hoảng Ukraine chưa được tháo gỡ và lệnh trừng phạt của phương Tây cứ kéo dài.

Về phía Mỹ, cường quốc đang áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn, Tổng thống Barack Obama khẳng định các biện pháp trừng phạt cứng rắn và mang tính chiến lược nhằm vào Mátxcơva đã thật sự phát huy hiệu quả. “Chúng tôi hiện không muốn gây chiến với Nga, nhưng chúng tôi và các đối tác châu Âu có thể áp đặt đều đặn các lệnh trừng phạt”, ông Obama nói.

Trong lúc kinh tế Nga lao dốc thì Ukraine cũng không tránh khỏi những hệ lụy. Thống đốc Ngân hàng trung ương Ukraine Valeria Gontareva cho hay, tăng trưởng kinh tế của quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ đã giảm 7,5% trong năm 2014 và đây là năm khó khăn nhất với nước này kể từ Thế chiến thứ hai. Bà Valeria Gontareva thậm chí gọi tình trạng này là “thảm họa kinh tế” đối với Ukraine.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.