Chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào hôm nay (10-12) được cho là dịp để Mátxcơva xích lại gần New Delhi, một đối tác trong nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS. Theo đó, hai bên sẽ thúc đẩy các thỏa thuận về khí đốt, năng lượng và ký kết từ 15-20 thỏa thuận.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong một cuộc gặp gỡ. Ảnh: Reuters |
Đến New Delhi, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh thường niên Nga - Ấn lần thứ 15. Đây là Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Ấn kể từ khi chính phủ mới của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi được thành lập.
AFP cho biết, Ấn Độ là nước nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc. Nguồn cung cấp dầu cho New Delhi đến chủ yếu từ Trung Đông nhưng bất ổn thường xuyên ở khu vực này khiến chính phủ quốc gia Nam Á phải xem xét để có những giải pháp khác, và một trong những sự lựa chọn chính là Nga.
Trong khi đó, là nước có trữ lượng khí đốt lớn thứ hai thế giới, Nga đang muốn mở rộng liên kết về năng lượng với các quốc gia châu Á, cụ thể là nước Nam Á đầy tiềm năng như Ấn Độ, để đối phó với các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây.
“Chúng tôi có những kế hoạch lớn hợp tác năng lượng và vấn đề này sẽ được đặt lên bàn nghị sự”, Đại sứ Nga Alexander Kadakin phát biểu với báo giới tại thủ đô New Delhi. Nhà ngoại giao này cũng nói rằng, Nga là đồng minh chiến lược của Ấn Độ nên Mátxcơva sẽ không có bất kỳ hành động nào gây bất lợi cho đồng minh.
Việc Tổng thống Putin thăm Ấn Độ với những tuyên bố thúc đẩy hợp tác với quốc gia Nam Á này diễn ra sau khi Mátxcơva ngừng dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Nam” đi qua lãnh thổ Bulgaria, Serbia, Hungary và Slovenia, thay vào đó là tuyến đường ống mới chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy, những động thái của Nga đang được phương Tây đặc biệt quan tâm, nhất là khi căng thẳng giữa Mátxcơva với châu Âu vẫn chưa được tháo gỡ do cuộc khủng hoảng Ukraine.
Trước thềm cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Ấn, Đại sứ Kadakin khẳng định: hai nước đã tiến đến một thỏa thuận giao cho một công ty của Nga xây dựng 2 lò phản ứng tại Kudankulam, gần Chennnai - thủ phủ của bang miền nam Tamil Nadu.
Thỏa thuận về nhà máy điện hạt nhân Kudankulam vốn được ký kết lần đầu vào năm 1988 giữa Thủ tướng Ấn Độ lúc đó là Rajiv Gandhi và lãnh đạo Liên Xô cũ Mikhail Gorbachev. Theo đó, có tổng cộng 15 tổ máy năng lượng hạt nhân được xây dựng trên lãnh thổ Ấn Độ, trong đó có từ 4-8 tổ máy tại nhà máy điện hạt nhân Kudankulam.
Tuy nhiên, sự sụp đổ của Liên Xô và nhiều vấn đề nảy sinh sau đó, như Luật trách nhiệm hạt nhân dân sự mà Ấn Độ đưa ra hồi năm 2010, đã làm dự án này bế tắc. Thỏa thuận xây dựng 2 tổ máy số 3 và 4 được ký vào tháng 10-2013 cũng bị hoãn do hai bên chưa có sự thống nhất. Tháng 4 vừa qua, Mátxcơva và New Delhi đã ký hiệp định khung giai đoạn 2 về việc xây dựng các tổ hợp mới 3 và 4 tại nhà máy điện hạt nhân Kudankulam.
Trong lúc này, theo Reuters, Mỹ đưa ra những cảnh báo đối với Ấn Độ rằng, đây không phải là thời điểm để hợp tác với Mátxcơva. Theo các nhà quan sát, không chỉ Nga và cả Mỹ cũng muốn xích lại gần Ấn Độ.
Thực tế, tuy Ấn Độ và Nga là đồng minh từ thời Chiến tranh Lạnh nhưng trong 10 năm qua, giữa New Delhi và Washington lại có những mối quan hệ giao hảo. Hơn nữa, tháng 9 vừa qua, sau khi nhậm chức, Thủ tướng Modi đã có chuyến công cán đến Mỹ và Tổng thống Barack Obama cũng dự kiến đến thăm Ấn Độ vào cuối tháng 1-2015.
BÌNH YÊN