Nỗi đau của thân nhân các hành khách trên máy bay QZ8501 sau khi nhận được thông tin mới về cuộc tìm kiếm máy bay mất tích. |
Thời tiết giông bão trong ngày 31-12 đã buộc lực lượng cứu nạn của Indonesia phải ngừng hoạt động tìm kiếm thi thể của 162 người trên chiếc máy bay AirAsia xấu số, trong lúc các nhân viên điều tra bắt đầu cố gắng chắp nối các manh mối để tìm hiểu xem tại sao máy bay bị lao xuống biển.
Sau hai ngày lùng tìm trên biển Java để kiếm những dấu hiệu về chiếc máy bay bị mất tích, ngày 30-12, các nhóm tìm kiếm đã bắt đầu thu được các mảnh vỡ và vớt được các thi thể, và những diễn biến mới đã khiến các thân nhân đang mòn mỏi chờ đợi trở nên suy sụp vì không còn hy vọng.
Mặc dù các quan chức đã hứa hẹn sẽ tiến hành một cuộc tìm kiếm quy mô lớn khác trong ngày, những cơn bão đã buộc họ phải ngừng chiến dịch tìm các thi thể còn lại cũng như phần còn lại của chiếc máy bay, vốn đang trên đường từ thành phố lớn thứ hai của Indonesia là Surabaya đến Singapore thì bị tai nạn.
"Thời tiết đang rất xấu. Mưa và gió khiến chúng tôi không thể nối lại hoạt động tìm kiếm trong sáng nay," điều phối viên hoạt động cứu nạn của không quân là S.B. Supriyadi nói với hãng AFP.
Giám đốc Cơ quan Cứu hộ Cứu nạn Quốc gia Bambang Soelistyo phát biểu tại cuộc họp báo ngày 31-12 rằng đã vớt được 6 thi thể, trong đó có một người phụ nữ mặc đồng phục.
"Ngay khi thời tiết tốt hơn, các thi thể sẽ được đưa tới Pangkalan Bun," thị trấn có đường băng gần nhất với địa điểm xảy ra tai nạn, ông Soelistyo nói.
Supriyadi cho hay hàng trăm người thuộc quân đội, cảnh sát và cơ quan cứu hộ quốc gia đang túc trực tại Pangkalan Bun.
Chiếc máy bay đâm xuống Biển Java ở tây nam đảo Borneo, và tới nay đã vớt được nhiều mảnh vỡ trong đó có một cửa thoát hiểm và một chiếc cặp màu xanh.
Theo ông Soelistyo, rong cuộc tìm kiếm hôm 30-12, một máy bay của hải quân đã nhìn thấy một cái "bóng" dưới đáy biển và tin rằng đó chính là chiếc máy bay mất tích.
Các nhân viên điều tra cũng đang tìm hiểu nguyên nhân vụ rơi máy bay, được tính là thảm họa thứ ba đối với một hãng hàng không của Malaysia trong năm nay.
Chi nhanh Điều tra Tai nạn Hàng không của Anh ngày 30-12 cho biết một trong các nhân viên điều tra của họ đã tới Singapore và gặp các chuyên gia ở đây đang hỗ trợ cuộc điều tra của Indonesia.
Ông Soelistyo cho biết việc tìm kiếm giờ đây tập trung vào những chiếc hộp đen có vai trò quan trọng, và chúng sẽ được chuyển cho ủy ban an toàn giao thông quốc gia.
Theo AirNav, cơ quan kiểm soát không lưu của Indonesia, trước khi cất cánh, phi công đã đề nghị được bay ở độ cao lớn hơn để tránh bão nhưng đề xuất này không được chấp thuận vì có quá nhiều máy bay đang hoạt động trên tuyến thông thường.
Trong phần trao đổi cuối cùng, phi công nói ông muốn thay đổi lộ trình để tránh cơn bão lớn. Sau đó mọi liên lạc bị mất, khoảng 40 phút kể từ khi cất cánh.
"Tình hình thời tiết khi đó rất đặc biệt, chúng ta hãy chờ kết luận của cuộc điều tra," ông chủ AirAsia là Tony Fernandes nói với các phóng viên tại Surabaya hôm 30-12 sau khi ông gặp các thân nhân của những người bị nạn.
"Đây là một vết sẹo trong phần đời còn lại của tôi," ông nói và mô tả tai nạn này là "ác mộng kinh hoàng nhất."
Chiếc máy bay mất tích thuộc quyền vận hành của AirAsia Indonesia, một đơn vị thuộc hãng hàng không AirAsia có trụ sở tại Malaysia, vốn có thành tích bay rất an toàn.
Vietnam+