1. Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin. |
Trong năm 2014, không một nhân tố chính trị nào có thể khuynh đảo vũ đài quốc tế như Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm.
Bất chấp những phản đối của Ukraine lẫn phương Tây, ông đã ra quyết định sáp nhập bán đảo Crimea (Crưm) sau khi cuộc trưng cầu dân ý của người dân nơi đây thể hiện nguyện vọng muốn quay trở về với nước Nga.
Hành động trên của Moskva đã kéo theo các lệnh trừng phạt mạnh tay của phương Tây. Và giờ đây, chính những lệnh trừng phạt này cùng việc giá dầu thế giới sụt giảm đang khiến Moskva đứng trước một cuộc khủng hoảng tiền tệ nghiêm trọng. Những động thái tiếp theo của Điện Kremlin sẽ chi phối bối cảnh quốc tế trong năm mới.
2. Trung Đông
Với việc giá dầu lao dốc, trận chiến tranh giành ảnh hưởng trong khu vực giữa Saudi Arabia và Iran có thể trở nên quyết liệt hơn trong năm 2015. Những năm gần đây, cuộc tranh giành quyền lực này đã làm nảy sinh nhiều điểm nóng mới tại Bahrain, Iraq, Syria và Yemen.
Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia Ali al-Naimi (trái) và Bộ trưởng năng lượng Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) trong buổi khai mạc Diễn đàn năng lượng Arập lần thứ 10 tại Abu Dhabi, thủ phủ của UAE ngày 21/12. |
Trong khi đó, quyết định giữ sản lượng dầu mỏ ổn định của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đã khiến Iran phải đau đầu về vấn đề tài chính, việc có thể làm gia tăng nguy cơ sự đối dầu này có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Michael Moran, giám đốc điều hành tại công ty tư vấn Control Risks nói: “Người Saudi Arabia đã quyết định tạo ra một tình huống khó khăn cho người Iran và người Nga trong từ 6 đến 8 tháng qua”. Trong bối cảnh này, Iran có thể nhận thêm sự giúp đỡ từ Nga, nước cũng cần dầu mỏ duy trì ở mức giá cao hơn.
3. IS/Các nhóm khủng bố
Một năm trước, trong tầm quan sát của thế giới không tồn tại cái tên tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Nhưng nhóm khủng bố này giờ đây lại đang làm mưa làm gió trên phạm vi toàn thế giới.
Dù đã làm suy giảm sức mạnh của nhóm này tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng ở Syria, Iraq, song chiến dịch không kích do Mỹ cầm đầu chưa thể xóa sổ cái tên IS ra khỏi bản đồ thế giới.
Thị trấn Kobane (Syria) sau một vụ nổ, nhìn từ làng Mursitpinar, tỉnh Sanliurfa, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 20/10. |
Trong khi đó, theo ông Moran, “chúng (IS) tạo ra một mối đe dọa lớn với sự ổn định của các quốc gia láng giềng như Jordan, Lebanon, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ”.
Ngoài ra, một mối nguy khác đang hiện hữu và đã trở thành sự thật là việc các chiến binh tham gia chiến đấu cùng IS đang quay trở về nhà ở châu Âu, bắc Mỹ cũng như các quốc gia phương Tây khác để tiến hành các cuộc tấn công khủng bố, việc có thể làm ảnh hưởng đến vận tải và thương mại toàn cầu. Những lo ngại trên càng được khắc họa rõ nét sau vụ bắt cóc con tin tại Sydney (Australia) trong tuần qua.
4. Sự đối đầu ở châu Á
Châu Á là khu vực có các nền kinh tế lớn, vốn tồn tại nhiều khúc mắc trong lịch sử. Những tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới, cũng phần nào phản ánh vấn đề trong khu vực.
Với thế giới, sự leo thang căng thẳng giữa các đối thủ ở Đông Á là một mối nguy hại với chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu bởi vị trí quan trọng mà các quốc gia này án ngữ trong hệ thống vận tải quốc tế. “Mọi chuyện sẽ đóng băng rất nhanh. Sẽ có sự suy thoái kinh tế trên khắp hành tinh”, ông Moran nhận định.
Một trong hai máy bay Su-27 của Trung Quốc tiếp cận nguy hiểm đối với máy bay Nhật Bản trên không phận gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông ngày 11/6. |
Bên cạnh đó, tại Afghanistan, với việc rút quân đội khỏi quốc gia này, Mỹ có thể tạo ra một lỗ trống quyền lực ở một quốc gia có vị trí quan trọng. Tương lai của Afghanistan nằm trong mối quan tâm sâu sắc của Pakistan và Ấn Độ, hai quốc gia hạt nhân đang ngày càng đi theo những hướng trái ngược nhau.
Bất chấp các vấn đề nghèo đói và tham nhũng, “Ấn Độ đang trở thành quốc gia mạnh hơn về kinh tế và quân sự. Pakistan trong khi đó lại đang rớt xa phía sau vào các vấn đề chính trị và xã hội”.
5. Những quốc gia bất định
Những sự kiện địa chính trị lớn nhất thường là những sự kiện ít ai ngờ tới nhất. Theo ông Moran, các nhà đầu tư trên thế giới nên dõi theo "cuộc cách mạng khí diệp thạch" của Mỹ đang tràn qua châu Phi.
Nigeria, Algeria và Angola là những quốc gia từng xuất khẩu một lượng dầu mỏ quan trọng tới Mỹ và giờ đây các nước này đang bị vắt kiệt cũng bởi việc khai thác đá diệp thạch, việc có thể dẫn đến sự bất ổn chính trị.
Quân đội Triều Tiên tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn tại một địa điểm bí mật. |
Không giống như Saudi Arabia, các quốc gia này không có dự trữ tiền tệ cũng như nguồn quỹ đầu tư thuộc sở hữu nhà nước khổng lồ để sử dụng trong biến cố. Bên cạnh đó, Nigeria cũng đang chịu áp lực từ Boko Haram, nhóm khủng bố đã giết trên 30 người và bắt cóc 200 người trong tuần qua.
Ngoài ra không thể không kể đến Triều Tiên. Mỗi vài tháng một, căng thẳng lại xuất hiện giữa Triều Tiên và người láng giềng Hàn Quốc cũng như phương Tây. Theo các chuyên gia quốc tế, mới đây, cuộc tấn công mạng vào Hãng phim Sony Pictures (Mỹ), được cho là do Triều Tiên tiến hành, cho thấy khả năng sức mạnh mạng đang ngày một tăng của quốc gia này.
Tin tức