.
THẾ GIỚI TUẦN QUA

Cuba kiên định hệ thống chính trị

.

Việc Mỹ tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Cuba hồi tuần trước được xem là sự kiện lịch sử, một quyết định gây bất ngờ của Tổng thống Barack Obama mặc dù ông vấp phải phản ứng của Đảng Cộng hòa.

Song, Chủ tịch Cuba Raul Castro cảnh báo nước ông phải đối mặt với “cuộc đấu tranh lâu dài và khó khăn” trước khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận, đồng thời Havana sẽ không thay đổi hệ thống chính trị của mình.

Chủ tịch Cuba Raul Castro cho rằng, nước ông phải đối mặt với “cuộc đấu tranh lâu dài và khó khăn” trước khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận.  			                Ảnh: Reuters
Chủ tịch Cuba Raul Castro cho rằng, nước ông phải đối mặt với “cuộc đấu tranh lâu dài và khó khăn” trước khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Raul Castro sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các nước châu Mỹ vào năm tới tại Panama. Tại đây, nhà lãnh đạo Cuba có thể gặp Tổng thống Obama, cuộc gặp gỡ đầu tiên kể từ khi hai nước thống nhất tái thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 17-12 vừa qua. Ông Raul đã gọi việc Washington bình thường hóa quan hệ với Havana là “một chương mới”, là sự thay đổi đáng kể nhất trong chính sách của Mỹ đối với Cuba trong hơn 50 năm và là động thái dỡ bỏ trở ngại trong quan hệ song phương.

Nhiều câu hỏi được đặt ra trong việc Mỹ “làm hòa” với Cuba. Thực chất, chính sách của Mỹ là gì? Ông Obama muốn thực hiện cam kết về “một chính sách mới” đối với Cuba trong chiến dịch tranh cử Tổng thống vào năm 2008? Ngoài việc xoay trục sang châu Á, phải chăng Mỹ còn muốn xoay trục sang châu Mỹ Latinh? Đây là thay đổi của Tổng thống Obama trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ sau khi Đảng Dân chủ của ông thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua?, v.v…

54 năm Mỹ áp đặt chính sách cấm vận thương mại đối với Cuba đã gây thiệt hại cho nền kinh tế quốc đảo này 1.100 tỷ USD, nhưng cường quốc hàng đầu thế giới cũng chịu thiệt hại 1,2 tỷ USD/năm. Song, Tổng thống Obama không kỳ vọng “Cuba sẽ thay đổi sau một đêm” và thực tế, sau hơn nửa thế kỷ đối đầu, Washington vẫn còn những bất đồng với Havana.

Vì vậy, việc dỡ bỏ cấm vận chỉ là sự khởi đầu của một chặng đường dài. Hơn nữa, việc dỡ bỏ cấm vận phải do Quốc hội Mỹ thông qua. Dù lệnh cấm vận là “hành động tự chuốc lấy thất bại” (như thừa nhận của ông chủ Nhà Trắng) nhưng quả thật, sẽ không dễ dàng để các nhà lập pháp ở đồi Capitol thông qua.

Về phía Cuba, nước này vẫn kiên định con đường đi của mình. Minh chứng cụ thể là việc Chủ tịch Raul Castro khẳng định ông sẵn sàng thảo luận với Washington hàng loạt vấn đề nhưng Havana sẽ không từ bỏ những nguyên tắc XHCN của đất nước này.

“Cũng như việc chúng tôi chưa bao giờ đòi hỏi Mỹ thay đổi chế độ chính trị của họ, chúng tôi sẽ yêu cầu sự tôn trọng đối với chế độ chính trị của chúng tôi”, ông Raul nói. Là thành viên của Quốc hội Cuba, bà Mariela Castro, con gái của Chủ tịch Raul Castro, nói rằng nước này sẽ bảo vệ các nguyên tắc XHCN và không quay lại chủ nghĩa tư bản chỉ vì các thỏa thuận nối lại quan hệ với Mỹ.

Vấn đề lớn nhất trong quan hệ giữa Mỹ với Cuba là lệnh cấm vận thương mại và tài chính mà Washington đã áp đặt suốt nhiều năm qua. Chưa rõ cụ thể việc “làm hòa” của Mỹ như thế nào bởi cuộc đàm phán chính thức giữa hai nước sẽ bắt đầu từ tháng 1 năm tới.

Cũng có nhiều nhà quan sát nhận định: Việc Mỹ muốn bình thường hòa quan hệ với Cuba là động thái nhằm kiềm chế ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Nga với Havana, trong lúc khủng hoảng ở Ukraine vẫn chưa được giải quyết. Xoay trục chiến lược sang Mỹ Latinh là cách để Washington ngăn chặn việc Nga xích lại gần Cuba cũng như các nước ở khu vực này, nhất là khi Tổng thống Vladimir Putin hồi tháng 7 vừa qua không những xóa 90% các khoản nợ của Cuba thời Liên Xô (tổng trị giá nợ 32 tỷ USD), mà còn ký kết với Havana hàng loạt thỏa thuận, trong đó có dự án thăm dò khai thác dầu tại vùng biển quốc gia Trung Mỹ này.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.
.