.

Tiếp tục tìm kiếm máy bay AirAsia mất tích

.

ĐNĐT - Ngày hôm nay, cuộc tìm kiếm chiếc máy bay của hãng hàng không AirAsia mang số hiệu QZ8501 chở 162 người đang mất tích vào sáng 28-12 trên Biển Java sẽ được tiếp tục, sau khi các lực lượng tìm kiếm đã buộc phải dừng lại do trời tối và thời tiết nguy hiểm.

Hai thành viên của Bộ chỉ huy chiến thuật hải quân Indonesia (TACCO) tham gia tìm kiếm máy bay AirAsia QZ 8501 từ máy bay CN235 trên khu vực Karimun Java, Biển Java, ngày 28-12-2014. Ảnh: Reuters
Hai thành viên của Bộ chỉ huy chiến thuật hải quân Indonesia (TACCO) tham gia tìm kiếm máy bay AirAsia QZ 8501 từ máy bay CN235 trên khu vực Karimun Java, Biển Java, ngày 28-12-2014. Ảnh: Reuters

Chiếc Airbus A320-200 đã mất tích khỏi màn hình radar khi đang trên đường từ Surabaya, Đông Java, Indonesia, tới Singapore. Đây là một cuộc khủng hoảng thứ ba đối với Hàng không Malaysia trong năm 2014.

Theo một quan chức của Bộ Vận tải Indonesia, ngay trước khi mất tích, cơ trưởng với kinh nghiệm hơn 6.100 giờ bay, đã xin phép tăng độ cao từ 32.000 feet lên 38.000 feet (gần 11.000 m) để tránh mây dày đặc.

“Chiếc máy bay yêu cầu Kiểm soát không lưu cho phép bay sang bên trái và đã được chấp thuận. Nhưng yêu cầu bay lên cao 38.000 feet không được chấp nhận vào thời điểm đó do lưu thông, có một máy bay bên trên và 5 phút sau đó, nó đã biến mất khỏi màn hình radar”, ông Djoko Murjatmodjo cho biết trong một cuộc họp báo.

AFP dẫn lời người đứng đầu lực lượng tìm kiếm Indonesia cho biết phi cơ của AirAsia có khả năng "đang nằm dưới đáy biển".

"Dựa trên các tọa độ và đánh giá, vị trí tai nạn ước tính là ở trên biển, giả thiết hiện có là chiếc phi cơ đang nằm dưới đáy biển", Bambang Soelistyo, người đứng đầu Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc gia Indonesia phát biểu tại cuộc họp báo.

Nhiều quốc gia tham gia tìm kiếm

Indonesia đã điều động 7 máy bay, 4 tàu hải quân và 6 tàu từ các cơ quan tìm kiếm cứu nạn để tiến hành chiến dịch tìm kiếm. Việc tìm kiếm tập trung tại chung quanh các hòn đảo Bangka và Belitung trên Biển Java, từ Kalimantan trên đảo Borneo.

Trên đất liền, Bộ Vận tải Indonesia cũng yêu cầu quân đội tiến hành tìm kiếm trên bộ, kể cả các vùng núi non.

Giám đốc cơ quan tìm kiếm của Indonesia, F H B Soelistyo cho biết: “Chúng tôi đã tập trung mọi lực lượng, từ tìm kiếm cứu nạn, quân đội, cảnh sát và sự giúp đỡ của cộng đồng cũng như ngư dân”.

Ngoài ra, Malaysia cho biết, họ đã cử 3 tàu, 3 máy bay tham gia cuộc tìm kiếm kể từ sáng thứ Hai (29-12). Ngay trong ngày Chủ nhật, Singapore đã cử một máy bay C-130 tham gia chiến dịch tìm kiếm; 2 máy bay khác sẽ được điều động thêm vào ngày hôm nay.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hôm qua đã điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno L.P. Marsudi để thăm hỏi và chia sẻ sâu sắc sự lo lắng với gia đình những hành khách trên chuyến bay QZ 8501 của hãng hàng không AirAsia, đã mất tích.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ trong nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay nếu có yêu cầu. Bộ trưởng Ngoại giao Marsudi đã thông báo tình hình mới nhất về vụ việc với lãnh đạo Việt Nam.

Cơ quan điều tra tai nạn hàng không Pháp, BEA cho biết, 2 nhà điều tra an toàn cùng với 2 tư vấn kỹ thuật của hãng Airbus đã tới Jakarta vào tối Chủ nhật để tham gia cuộc điều tra vụ tai nạn này.

Khả năng máy bay QZ8501 đã rơi xuống biển

Mặc dù trước đó có, trang tin Sputniknews.com cho biết, máy bay QZ8501 có thể đã rơi xuống vùng biển gần đảo Belitung của Indonesia nhưng Bộ Giao thông Indonesia vẫn chưa khẳng định tin này.

Theo chuyên gia Neil Hansford của Giải pháp Hàng không Chiến lược, hãng AirAsia được đánh giá là hãng có thành tích an toàn bay tốt. Trong khi đó, máy bay đang mất tích chỉ mới hoạt động có 6 năm, tuổi thọ phục vụ là rất trẻ.

Một điều làm các chuyên gia băn khoăn là tại sao máy bay không phát đi tín hiệu cầu cứu. “Bất kỳ máy bay 2 động cơ nào loại này cũng khá dễ dàng bay từ 60 đến 90 phút với 1 động cơ để có thời giao đảo ngược tình thế”, ông Hansford nói.

Ông cho rằng, nếu máy bay mất 1 động cơ mà không bắt lửa, thì phi công vẫn có thể tiếp tục bay 1 động cơ còn lại và cầu cứu rằng máy bay bị bắt lửa và anh ta muốn đổi hướng. Nhưng máy bay đã không gởi đi một thông điệp nào”.

Chuyên gia hàng không Peter Marosszeky cho rằng, có vẻ như máy bay đã gặp phải một sự cố thời tiết nghiêm trọng và mọi thứ như hướng tới sự kiện rằng, viên phi công đã yêu cầu thay đổi độ cao không đúng lúc, và máy bay có thể bị rơi vào thế đẩy lên và rơi vào tình trạng ngừng hoạt động”.

Đồng thời, ông Marosszeky cho rằng, đây không phải là một máy bay lớn, nó khá nhẹ và bay vào một điều kiện thời tiết khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt, đặc biệt là quanh vùng xích đạo, nên có thể rất gay go.

Hàng không Malaysia tan nát

AirAsia Indonesia là một công ty được hãng hàng không giá rẻ AirAsia Malaysia sở hữu 49%. Trong đó, toàn bộ số cổ phần do các nhà đầu tư địa phương nắm giữ. Và sự kiện này đã làm tăng thêm thiệt hại cho hàng không Malaysia sau hai vụ tổn thất nghiêm trọng trong năm.

Trước đó, ngày 8-3-2014, chuyến bay MH370 đang bay từ Kuala Lumpur chở 239 người đi Bắc Kinh đã mất tích tại eo biển Malacca. Đến nay, sau nhiều tháng tìm kiếm đầy tốn kém nhưng vẫn chưa có kết quả.

Ngày 17-5-2014, một máy bay khác của hàng không Malaysia mang số hiệu MH17 chở 298 hành khách đi từ Amsterdam (Hà Lan) đến Kuala Lumpur đã bị bắn rơi trên khu vực không phận Ukraine. Cuộc điều tra về vụ rơi này cũng chưa mang lại kết quả. 

Giám đốc hãng AirAsia, Tony Fernandes cho biết, ông “đã tan nát” khi nghe tin chiếc máy bay chơ 162 hành khách đi từ Indonesia đến Singapore bị mất tích.

“Rõ ràng, đây là một cú sốc quá lớn đối với chúng tôi và chúng tôi tan nát cõi lòng với những gì xảy ra. Thật khó mà tin nổi. Chúng tôi không muốn suy đoán, chúng tôi không chưa biết điều gì xảy ra. Vì thế, chúng tôi đợi cuộc điều tra tai nạn…Mối bận tâm lúc này của chúng tôi là thân nhân và những người thân của của các nạn nhân”.

Quang Hiển (theo ABC, CNA, Reuters)

 

;
.
.
.
.
.