.

1% dân số thế giới nắm giữ gần 50% tài sản toàn cầu

.

ĐNĐT - Hiện nay, 48% tài sản của toàn thế giới đang nằm trong tay những người giàu nhất địa cầu - tầng lớp ít ỏi chỉ chiếm 1% dân số thế giới, và có khả năng vượt ngưỡng 50% vào năm 2016.

Những số liệu này được đề cập trong báo cáo mới nhất của Oxfam - Tổ chức viện trợ và phát triển toàn cầu.

Những đứa trẻ ở New Delhi, Ấn Độ bới rác để tìm đồ tái chế. Ảnh: AP
Những đứa trẻ ở New Delhi, Ấn Độ bới rác để tìm đồ tái chế. Ảnh: AP

Dựa trên số liệu thu thập từ Ngân hàng Credit Suisse ở Thụy Sĩ, Oxfam đã đưa ra cảnh báo về sự phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc và dường như đang chống lại nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến chống nạn nghèo đói khi hiện nay có đến hơn một tỉ người đang chật vật với mức sống ít hơn 1,25 USD một ngày. 

Theo Oxfam, nhà đầu tư Mỹ Warren Buffett, nguyên thị trưởng New York Michael Bloomberg, doanh nhân người Ấn Độ Dilip Shanghvi được xếp vào nhóm những người giàu có nhất - nhóm chiếm chỉ 1% dân số toàn cầu.  

Những thông tin trên được chính thức công bố vào hôm nay, ngày 19-1, ngay trước thềm Diễn đàn kinh tế thế giới diễn ra từ ngày 22 đến 25-1 tại Davos, Thụy Sĩ.

Oxfam sẽ tranh thủ sự kiện quốc tế quan trọng này để kêu gọi các quốc gia tham dự tìm kiếm những biện pháp mới hữu hiệu nhằm giảm thiểu mức độ chênh lệch giàu nghèo toàn cầu, bao gồm các chế tài trấn áp tình trạng trốn thuế của tầng lớp giàu có.

Doanh nhân người Anh, Lynn Forester de Rothschild- CEO của công ty  E L Rothschild - đưa ra quan ngại về sự phân hóa giàu nghèo có thế sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu. Rothschild cũng nhấn mạnh sự cần thiết cần ưu tiên xem xét các giải pháp giải quyết sự bất bình đẳng về giàu nghèo tại sự kiện ở Davos sắp tới.

Oxfam cũng tiết lộ thêm rằng 20% tỉ phú trong lĩnh vực tài chính và bất động sản có tài sản tiền mặt tăng thêm 11% trong vòng chỉ 12 tháng (tính từ tháng 3 năm 2013).

Tại diễn đàn kinh tế vào năm ngoái, Oxfam đã đưa ra cảnh báo những rủi ro lớn mà sự chênh lệch giàu nghèo có thể đặt ra cho “tiến bộ nhân loại”. 

Theo đó, tổng giá trị tài sản ròng của 85 người giàu nhất thế giới tương đương với tổng giá trị tài sản ròng của một nửa dân số thế giới - tức 3,5 tỷ người nghèo nhất.

Anh Thư (theo The New Zealand Herald)

;
.
.
.
.
.