Quốc tế
Hy Lạp có Thủ tướng trẻ nhất
Với chiến thắng của đảng cánh tả Syriza trong cuộc bầu cử ngày 25-1, ông Alexis Tsipras sẽ trở thành Thủ tướng trẻ tuổi nhất của Hy Lạp trong 150 năm qua. Nhà lãnh đạo Syriza hiện 40 tuổi.
Ông Alexis Tsipras muốn Hy Lạp ở lại khối eurozone. Ảnh: AFP |
Phát biểu với những người ủng hộ tại thủ đô Athens vào đêm 25-1, trong niềm vui chiến thắng, ông Alexis Tsipras nói: “Người Hy Lạp đã viết nên lịch sử”, đồng thời cam kết chấm dứt “5 năm tủi nhục và đau đớn” của Hy Lạp. Ông gọi đây là chiến thắng cho tất cả người dân châu Âu, những người đấu tranh chống lại chính sách thắt lưng buộc bụng đang hủy hoại tương lai chung của châu Âu.
Song, chiến thắng của Syriza làm châu lục già cỗi rúng động bởi có thể gây xáo trộn trong khu vực các nước sử dụng đồng euro (eurozone) và làm dấy lên những lo ngại về tương lai của Athens trong khối này. Minh chứng rõ nhất là ngay sáng 26-1, sau khi có kết quả kiểm phiếu, giá trị đồng euro so với đồng USD đã chạm đáy thấp nhất trong 11 năm qua (1 euro = 1,109 USD).
Theo kết quả bầu cử, đảng Syriza không chiếm đa số ghế. Với 99,8% số phiếu được kiểm, đảng cánh tả này dẫn đầu với 149 ghế trong tổng số 300 ghế ở Quốc hội. Thủ tướng bảo thủ Antonis Samaras đã thừa nhận thất bại. Đây là lần đầu tiên trong hơn 40 năm ở Hy Lạp, quyền lực không thuộc về đảng Dân chủ mới (của ông Samaras) và cũng không thuộc về đảng trung tả PASOK. Hơn nữa, đây cũng là lần đầu tiên một thành viên của khối eurozone gồm 19 thành viên được điều hành bởi một đảng bác bỏ chương trình khắc khổ - một chính sách do Đức hậu thuẫn.
Những người ủng hộ đảng Syriza reo hò và cho rằng “thời đại của đảng cánh tả đã đến”, “lịch sử đang được viết lại sau 60 năm ở Hy Lạp và châu Âu”. Khẩu hiệu chiến dịch tranh cử của đảng Syriza là “Hy vọng đang đến” đã gây tiếng vang bởi các cử tri vốn chán nản với việc cắt giảm ngân sách khổng lồ, tăng thuế trong những năm khủng hoảng. Chính sách khắc khổ đã làm tình trạng thất nghiệp lên đến hơn 25% và đẩy hàng triệu người vào cảnh nghèo đói.
AP cho biết, ngày 26-1, ông Tsipras gặp gỡ lãnh đạo của đảng cánh hữu Hy Lạp Độc lập, một đồng minh chống chính sách “thắt lưng buộc bụng” hiện có 13 ghế trong Quốc hội, để bàn thảo việc thành lập liên minh chính phủ. Theo đó, một liên minh đã được hình thành.
Các nhà phân tích cho rằng, việc ông Tsipras lựa chọn đảng Hy Lạp Độc lập để chia sẻ quyền lực là dấu hiệu cho thấy nhà lãnh đạo này có thể có cuộc đàm phán cứng rắn với “bộ ba” chủ nợ, gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Liên minh châu Âu (EU), liên quan đến gói cứu trợ 240 triệu euro (268 triệu USD). Các chủ nợ yêu cầu Hy Lạp phải thực hiện cải cách và cắt giảm chi tiêu thì mới nhận được gói cứu trợ để tránh nguy cơ vỡ nợ.
Chiến thắng của đảng Syriza được các đảng chống chính sách thắt lưng buộc bụng trên khắp châu Âu hoan nghênh. Vấn đề đặt ra lúc này là liệu Hy Lạp có rời eurozone hay không. Trong khi đó, ông Tsipras cam kết giữ đất nước này ở lại khối eurozone, đồng thời sẽ đàm phán lại các điều khoản liên quan đến gói cứu trợ mới nhưng trên quan điểm khác. Song, các nhà lãnh đạo châu Âu thúc giục ông Tsipras tôn trọng các điều khoản đi kèm gói cứu trợ.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng Megan Greene tại Manulife Asset Management, chính phủ mới của Hy Lạp sẽ không thể điều hành các hoạt động và trả nợ nếu không có sự hỗ trợ của các chủ nợ quốc tế.
PHÚC NGUYÊN