.

Myanmar lo ngại tình trạng buôn người sang Trung Quốc

.

2.000 USD là giá mà cặp vợ chồng Trung Quốc hiếm muộn trả cho bọn buôn người để mua một bé gái 4 tuổi người Myanmar. 

Chị Lamo Bokdin, một trong các nạn nhân bị bán sang Trung Quốc đã trốn thoát được - Ảnh: BBC
Chị Lamo Bokdin, một trong các nạn nhân bị bán sang Trung Quốc đã trốn thoát được - Ảnh: BBC

Trong căn nhà tồi tàn bằng tre của bà Ma Shan ở thị trấn biên giới Nam Khan, bang Shan (phía đông bắc Myanmar giáp Trung Quốc), nằm ở xó nhà, cậu con trai nghiện ma túy của bà đang lờ đờ ngó ra ngoài. Bà Ma Shan thở dài lắc đầu nhìn đứa cháu trai đang tha thẩn chơi ngoài sân. Nó là một trong 2 đứa cháu ngoại bị mẹ bỏ lại cho bà sau khi chạy đi với một người đàn ông khác. 

Chia sẻ với phóng viên BBC, bà Ma Shan rùng mình nhớ lại câu chuyện xảy ra trước đó 1 năm với đứa cháu gái Khin Khin Oo, khi đó mới 4 tuổi.

Một lần bố nó là Soe Khine (chồng cũ của con gái bà Ma Shan) về thăm nhà và đón Khin Khin Oo theo. Thoạt đầu bà Ma Shan không nghi ngờ, nhưng sau đó 4 ngày, bà thấy có gì đó bất ổn. Qua tin tức từ một người lớn tuổi trong làng, bà mới hay thằng Soe Khine đang nợ đầm đìa vì bài bạc. Sau khi cảnh sát Myanmar vào cuộc và bắt được Soe Khine, anh này mới thú nhận đã bán con gái cho một người phụ nữ ở Kachin lấy 1.300 USD.

Lần theo dấu vết vụ việc tới tận thị trấn biên giới giáp ranh Trung Quốc Ruili, cảnh sát phát hiện bé Khin Khin Oo đã bị bọn buôn người bán thêm một lần nữa với giá 2.000 USD cho một cặp vợ chồng hiếm muộn người Trung Quốc. 

Không chỉ là trẻ em, tại thị trấn Namkhan từ lâu cũng đã bùng phát nạn buôn bán phụ nữ trẻ đưa sang Trung Quốc dưới hình thức “làm vợ”. 

Theo ước tính của giới nhân khẩu học, tính tới năm 2020, sẽ có hơn 24 triệu nam giới Trung Quốc rất khó tìm được vợ. Chính sách mỗi gia đình chỉ có 1 con cộng thêm tâm lý chuộng con trai của người Trung Quốc đang gây mất cân bằng giới tính nghiêm trọng và những hệ lụy vô cùng phức tạp.

Ông Myint Kyaw, lãnh đạo thị trấn Namkhan cho biết, vừa rồi có 4 cô gái độ tuổi 15-18 ở thị trấn Kutkai nói là sang Trung Quốc làm việc. Nhưng 8 tháng nay người thân không có tin tức gì về họ. 

Ông Myint Kyaw ước tính hiện có khoảng 10% phụ nữ dân tộc Ta’ang đã bị bán sang Trung Quốc theo dạng thức nào đó.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.