.

Nga thúc đẩy hòa bình ở đông Ukraine

.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov muốn tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức ở đông Ukraine tại đàm phán 4 bên ở thủ đô Berlin của Đức ngày 21-1.

Nhiều người Ukraine đã tham gia cuộc tuần hành hòa bình ở Kiev ngày 18-1 vừa qua.   Ảnh: Reuters
Nhiều người Ukraine đã tham gia cuộc tuần hành hòa bình ở Kiev ngày 18-1 vừa qua. Ảnh: Reuters

Ông Lavrov nói rằng, Nga không muốn một cuộc Chiến tranh Lạnh mới và phương Tây sẽ không cô lập được đất nước này.

Đàm phán 4 bên (với sự tham gia của các ngoại trưởng Nga, Ukraine, Đức và Pháp) là một phần nỗ lực nhằm kết thúc cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất giữa Nga với phương Tây kể từ Chiến tranh Lạnh đến nay.

AP dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, những người đồng cấp của ông tập trung bàn thảo việc rút các vũ khí hạng nặng khỏi đông Ukraine. Theo nhà ngoại giao này, việc đưa pháo ra khỏi khu vực tiền tuyến sẽ giúp nhanh chóng chấm dứt tình trạng leo thang hiện nay sau khi xảy ra cuộc xung đột giữa lực lượng chính phủ Ukraine với phe nổi dậy, làm ít nhất 6 dân thường thiệt mạng và 29 người khác bị thương.

Ngoại trưởng Lavrov nhận định: Việc tiếp tục xảy ra bạo lực ở đông Ukraine bắt nguồn từ sự không tôn trọng thỏa thuận được ký kết ở thủ đô Minsk của Belarus hồi tháng 9 năm ngoái. “Chúng ta cần đáp ứng mục tiêu chính: bảo vệ dân thường”, ông Lavrov nói; đồng thời cho hay, Nga đã thuyết phục lực lượng nổi dậy về việc rút các vũ khí hạng nặng”.

Bên cạnh đó, các ưu tiên được đặt ra tại đàm phán bao gồm: kết thúc sự thù địch, trao trả quyền kiểm soát biên giới Ukraine cho Kiev và trao đổi tù binh…

Theo ông Lavrov, hòa bình ở đông Ukraine chỉ có thể đạt được khi chính phủ Kiev hoàn toàn tuân thủ cam kết cho quyền tự chủ mở rộng đối với khu vực phía đông và bảo đảm an ninh cho lực lượng nổi dậy. Cũng như những lần trước, ông Lavrov bác bỏ các cáo buộc của phương Tây và Ukraine rằng Nga đang ủng hộ phiến quân bằng cách hỗ trợ binh sĩ và vũ khí.

Thực tế, cuộc xung đột ở đông Ukraine kể từ khi bùng phát vào tháng 4 năm ngoái đến nay đã làm hơn 4.700 người chết. Ngày 21-1, Kiev cáo buộc lực lượng của Mátxcơva đã tấn công quân đội nước này; cụ thể là 700 binh sĩ Nga đã vượt biên giới vào tỉnh Luhansk để hỗ trợ cuộc tấn công mới nhất của phe nổi dậy nhằm vào quân đội chính phủ.

Theo Reuters, trong hơn 9 tháng qua, đây là cáo buộc rõ ràng nhất của Ukraine về sự liên quan trực tiếp của quân đội Nga. Ủy ban An ninh quốc gia Ukraine khẳng định có đến 8.500 binh sĩ Nga hiện diện tại Donetsk và Luhansk.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng, không có bằng chứng cho thấy các binh sĩ Nga đã tràn qua biên giới. Trước tình hình này, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 21-1 cắt ngắn chuyến công du Thụy Sĩ để tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và trở về nước giải quyết vụ việc.

Giới phân tích cho rằng, tuyên bố của Ukraine chắc chắn làm gia tăng căng thẳng giữa Kiev với Mátxcơva, ngay trước thềm đàm phán 4 bên ở Berlin. Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cảnh báo tình hình an ninh đang bất ổn nghiêm trọng ở đông Ukraine và kêu gọi một thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng nhóm họp vào ngày 21-1 tại New York (Mỹ) để bàn thảo về cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Trong lúc đó, trả lời phỏng vấn tuần báo Argumenty i Fakty ngày 21-1,  người phát ngôn Dmitry Peskov của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, các nước phương Tây đang lợi dụng cuộc xung đột ở đông Ukraine để lật đổ ông chủ Điện Kremlin và hủy hoại nền kinh tế Nga. “Nguyên nhân không phải do vấn đề Crimea mà có lý do khác”, người phát ngôn này nói.

Theo ông Peskov, tình hình kinh tế Nga đang được kiểm soát bất chấp “các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp” và Mátxcơva không thể giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine theo yêu cầu của phương Tây. “Mọi việc Nga có thể làm đều nhằm kết thúc cuộc xung đột”, ông Peskov nhấn mạnh.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.