.

Người Nhật Bản nói: "Tôi là Kenji"

.

Số phận của nhà báo tự do Kenji Goto đang bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bắt giữ đang là mối quan tâm của người dân Nhật Bản. Trên facebook, nhiều người bày tỏ hy vọng Kenji Goto sớm trở về nhà và cùng nhau nói: “Tôi là Kenji”.

Những người biểu tình mang theo biểu ngữ “Tôi là Kenji” tập trung trước văn phòng Thủ tướng Shinzo Abe ngày 27-1.  					  Ảnh: AP
Những người biểu tình mang theo biểu ngữ “Tôi là Kenji” tập trung trước văn phòng Thủ tướng Shinzo Abe ngày 27-1. Ảnh: AP

Fanpage mang tên “Tôi là Kenji” đã được lập ngay sau khi IS công bố video clip yêu cầu trong vòng 72 tiếng đồng hồ Nhật Bản phải trả 200 triệu USD để chuộc hai con tin Kenji Goto và Haruna Yukawa. Hiện nay, hơn 25.000 người đã “like” (thích) fanpage và con số này đang tiếp tục gia tăng.

AP cho rằng, đây là một hình thức phỏng khẩu hiệu của nhiều nước trên thế giới khi bày tỏ tình đoàn kết với Charlie Hebdo, tuần báo có 12 người chết trong vụ tấn công khủng bố hồi đầu tháng này. Sau vụ việc xảy ra ở trụ sở Charlie Hebdo, khẩu hiệu được đưa ra là “Je Suis Charlie” (Tôi là Charlie) để phản đối vụ thảm sát kinh hoàng.

Cũng theo AP, những pa-nô có dòng chữ “Tôi là Kenji” được nhiều người mang theo trong một cuộc biểu tình bên ngoài văn phòng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Khoảng 1.000 người đã xuống đường tuần hành yêu cầu chính phủ nỗ lực hơn nữa để cứu tính mạng các con tin. Bên ngoài trụ sở Quốc hội, nhiều người cũng biểu tình với các biểu ngữ: “Hãy phóng thích Goto”, “Tôi là Kenji”. Một con tin đã bị hành quyết và giờ đây IS hoàn toàn có thể hành quyết con tin còn lại.

Trong khi đó, ngày 27-1, tại thủ đô Amman của Jordan, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yasuhide Nakayama cũng bày tỏ hy vọng Goto và Muath al Kasaesbeh - phi công Jordan đang bị IS bắt sẽ “trở về nhà với nụ cười”. Các chiến binh đã bắt giữ phi công Jordan sau khi máy bay của ông bị rơi trong lúc liên quân do Mỹ dẫn đầu ném bom tại phía đông Syria vào tháng 12 năm ngoái.

Khi được hỏi về cách xử trí khủng hoảng con tin của chính phủ Nhật, Thứ trưởng Ngoại giao Nakayama khẳng định ông tin tưởng mối quan hệ giữa Tokyo với Amman. Quan chức 44 tuổi này nhấn mạnh về sự hợp tác giữa Nhật Bản với Jordan để bảo đảm sự phóng thích cho Kasaesbeh. “Việc sớm phóng thích viên phi công cũng là vấn đề của người Nhật Bản chúng tôi”, ông Nakayama nói.

Tuy nhiên, ông Nakayama chẳng có kinh nghiệm nào đối với vấn đề Trung Đông mặc dù các thông tin cho thấy ông đã tham gia các ủy ban quốc phòng và an ninh quốc gia.

Trong lúc này, nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến cách xử trí của chính phủ Nhật Bản. Trong phiên điều trần tại Quốc hội ngày 27-1, nghị sĩ Seiji Maehara thuộc Đảng Dân chủ đối lập chất vấn Thủ tướng Abe về cách thức giải quyết trường hợp các con tin khi Haruna Yukawa bị IS bắt giữ vào tháng 8 năm ngoái.

Nghị sĩ Maehara đặc biệt chất vấn về con số 200 triệu USD mà ông Abe tuyên bố hỗ trợ nhân đạo cho các nước tham gia chống IS và con số này cũng được các chiến binh đề cập trong video clip, xem đó là tiền để cứu tính mạng các con tin.

Thực tế, Nhật Bản không có vai trò quân sự gì trong cuộc chiến chống IS nhưng ông Abe đang muốn thúc đẩy vai trò của quân đội nước này, vốn trước đây bị hạn chế theo quy định của Hiến pháp hòa bình sau Thế chiến thứ hai.

Thủ tướng Abe đã bảo vệ các chính sách của chính phủ. Ông nói rằng, 200 triệu USD nhằm cung cấp lương thực, thuốc men để cứu tính mạng của hơn 10 triệu người bị ảnh hưởng từ cuộc chiến chống IS, trong đó có những người tị nạn và trẻ em bị mất nhà cửa.

Người đứng đầu chính phủ khẳng định Nhật Bản sẽ làm hết sức mình để cứu Goto. “Hành động của IS thật thái quá và chúng tôi kiên quyết lên án… Chúng tôi sẽ không nhượng bộ khủng bố”, ông Abe nói.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.
.