.

Nhật Bản sốc khi IS hành quyết con tin

.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 25-1 gọi việc các chiến binh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hành quyết một con tin của nước này là tàn nhẫn và không thể tha thứ được, đồng kêu gọi phóng thích con tin thứ hai.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (bìa phải) trả lời báo giới ngày 25-1.                                                                   Ảnh: Reuters
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (bìa phải) trả lời báo giới ngày 25-1. Ảnh: Reuters

Phát biểu với đài NHK của Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng,  đoạn video clip công bố việc IS hành quyết Haruna Yukawa có độ xác thực cao. Video clip cho thấy hình ảnh con tin thứ hai Kenji Goto cầm bức ảnh chụp thi thể không đầu của ông Yukawa và một clip thu âm giọng nói của Goto thông báo Yukawa đã bị hành quyết.

Ông Abe cũng bày tỏ sự nghẹn ngào “không thể nói nên lời”, đồng thời chia sẻ với gia đình và bạn bè của Yukawa, một chủ thầu khoán bị nhóm chiến binh này bắt ở Syria vào tháng 8 năm ngoái.

AP cho biết, từ Thủ tướng đến người dân, cả nước Nhật đều sốc. “Tôi không thể nói nên lời. Chúng tôi chỉ trích mạnh mẽ những hành động như thế”, Thủ tướng Abe nói, đồng thời gọi đó là “hành động tàn bạo, một hành vi bạo lực không thể dung thứ”.

Nhà lãnh đạo Nhật Bản kêu gọi IS ngay lập tức phóng thích con tin còn lại - nhà báo tự do 47 tuổi Kenji Goto. Thủ tướng Abe khẳng định ưu tiên hàng đầu của ông lúc này là phải bảo đảm tính mạng cho Goto và nhấn mạnh rằng, Nhật Bản sẽ không nhượng bộ khủng bố.

Một số người chỉ trích ông Abe lẽ ra cần quyết đoán hơn khi xử trí vụ khủng hoảng con tin. 72 giờ mà IS đặt ra cho chính phủ Nhật để nộp 200 triệu USD và đổi lấy các con tin đã hết hạn vào ngày 23-1.

Các quan chức Nhật không đề cập trực tiếp việc có đáp ứng yêu cầu của IS, trả tiền chuộc hay không. Thực tế, như các nước công nghiệp phát triển khác như Mỹ, Anh, Tokyo cũng nói “không” với việc trả tiền chuộc

Theo Reuters, tình trạng leo thang trong cuộc khủng hoảng con tin là một phép thử đối với Thủ tướng Abe. Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản vốn loại bỏ bất kỳ phản ứng quân sự nào của nước này. Tuy nhiên, vị Thủ tướng đương nhiệm muốn mở rộng cách diễn giải Hiến pháp hòa bình, theo đó cho phép Tokyo bảo vệ đồng minh trong trường hợp bị tấn công. Những thay đổi này vấp phải phản ứng của người dân Nhật bởi họ lo ngại những bất ổn sẽ đến với đất nước này.

Trao đổi với đài NHK, Thủ tướng Abe nói rằng, Nhật Bản không có ý định tham gia hoạt động quân sự do Mỹ dẫn đầu chống IS, nhưng muốn tiếp tục cung cấp viện trợ nhân đạo.

Theo các nhà phân tích, quyết định của ông Abe, người lên nắm quyền vào năm 2012, về việc thúc đẩy vai trò của Nhật Bản đối với an ninh toàn cầu, cung cấp viện trợ cho các nước chống lại IS, làm dấy lên sự lo ngại.

Trong chuyến công du Trung Đông vào tuần qua, ông Abe vẫn cam kết viện trợ nhân đạo 200 triệu USD cho các nước đang chống IS - lực lượng mà ông gọi là “mối đe dọa đối với khu vực và thế giới”, trong đó có viện trợ dành cho những người tị nạn.

Trong cuộc họp nội các vào tối 24-1, ông Abe nhấn mạnh chính phủ sẽ tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố.

AP cho biết, phát biểu với báo giới, ông Shoichi - cha của Yukawa - nói rằng ông đã hy vọng tin tức về việc con trai của mình bị hành quyết không phải là sự thật. Trong khi đó, trong một tuyên bố của Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ trích vụ giết hại Yukawa và cam kết Washington sẽ “vai kề vai” với Tokyo. Thủ tướng Anh David Cameron cũng mô tả việc hành quyết Yukawa là “vụ giết người man rợ”.

Giờ đây, IS không đòi tiệc chuộc để đổi lấy con tin thứ hai nữa mà đòi trả tự do cho Sajida al-Rishawi, một phụ nữ Iraq đánh bom tự sát thất bại tại Amman vào năm 2005 và bị bắt giam ở Jordan. Ông Abe đã cử quan chức cấp cao trong chính phủ đến Jordan nhưng không cho biết việc có đề nghị Amman phóng thích Sajida hay không.

Năm 2006, Sajida bị Jordan kết án tử hình. Tuy nhiên, cũng vào năm đó, nước này bắt đầu xóa bỏ án tử hình và duy trì quy định này trong 8 năm. Hiện Sajida vẫn bị giam giữ ở Jordan.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.
.