Cảnh sát Pháp ráo riết truy lùng 2 tay súng, trong đó một kẻ có thể liên quan đến Al-Qaeda, đã gây ra vụ thảm sát kinh hoàng ở tuần báo Charlie Hebdo tại thủ đô Paris ngày 7-1.
Đưa người bị thương đi cấp cứu. Ảnh: AP |
Ngày 8-1, nước Pháp tổ chức quốc tang để tưởng niệm 12 nạn nhân thiệt mạng trong vụ thảm sát mà Tổng thống Francois Hollande gọi là “hành động cực kỳ man rợ”. 12 người chết bao gồm 8 nhà báo, 2 nhân viên cảnh sát, một công nhân và một du khách.
Ngoài ra còn có 11 người khác bị thương, trong đó 4 người rơi vào tình trạng nguy kịch. Đây là vụ tấn công khủng bố nghiêm trọng nhất trên đất Pháp, quốc gia có số dân theo đạo Hồi nhiều nhất ở Tây Âu (khoảng 4,7 triệu người), trong gần hai thập niên qua.
Mối đe dọa khủng bố chưa từng có
Ngày 8-1, Thủ tướng Pháp Manuel Valls nói rằng, nước này đối mặt với mối đe dọa khủng bố chưa từng có và xác nhận hai nghi phạm đang bị truy lùng là hai anh em - hai trong 3 tên đã cầm súng AK-47 và súng phóng lựu xông vào tòa soạn tuần báo Charlie Hebdo.
Cảnh sát đã công bố danh sách hai anh em này (đều là công dân Pháp): Cherif Kouachi (32 tuổi) và Said Kouachi (34 tuổi); cả hai đều đã chịu sự giám sát của lực lượng an ninh.
Cherif từng nhận án 18 tháng tù giam với tội hình sự liên quan đến một tổ chức khủng bố vào năm 2005. Tên này còn tham gia một tổ chức Hồi giáo tại nhà thờ ở đông Paris, ghi danh những người Pháp muốn đến Iraq để chiến đấu với quân đội Mỹ. Cherif bị bắt trước khi rời Pháp để đến Iraq gia nhập các nhóm phiến quân. Năm 2008, Cherif bị kết án 3 năm tù.
Theo ông Valls, điều lo ngại là hai tên này hiện nay vẫn tự do và có vũ khí nên có thể gây ra vụ tấn công khác. Trong chiến dịch truy lùng của cảnh sát, 7 người liên quan đến Cherif và Said đã bị bắt ở các thị trấn Reims và Charleville- Mézières cũng như ở Paris. Nghi can thứ ba, Hamyd Mourad (18 tuổi) đã ra đầu thú tại thị trấn Charleville-Mézières, cách thủ đô Paris khoảng 230km về phía đông bắc.
Cũng trong ngày 8-1, Pháp nâng báo động lên mức cao nhất, cụ thể là an ninh được thắt chặt tại các điểm giao thông chính, các khu vực tôn giáo, cơ quan báo chí… với sự có mặt của hơn 800 binh sĩ Pháp.
AP cho biết, mối quan ngại khủng bố đang tăng cao ở châu Âu về việc các chiến binh Hồi giáo được huấn luyện từ nước ngoài sẽ quay về thực hiện các cuộc tấn công ở trong nước. Một nghi can người Pháp tham gia vụ tấn công gây chết người nhằm vào một bảo tàng Do Thái ở Bỉ sau khi cùng lực lượng cực đoan chiến đấu ở Syria đã trở về nước.
Một người đàn ông từng gây ra vụ thảm sát năm 2012, giết chết 3 binh sĩ và 4 người tại một trường học Do Thái ở Toulouse, miền nam nước Pháp, cũng được huấn luyện bán quân sự ở Pakistan.
Trong một video do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria công bố vài ngày trước đó cho thấy, một chiến binh thánh chiến người Pháp tại Syria đã ra lệnh “nổ tung nước Pháp, phá hủy nó thành từng mảnh”.
Người dân Paris không sợ hãi
Trong số những người thiệt mạng có Tổng biên tập tuần báo Charlie Hebdo, ông Stephane Charbonnier, bút danh Charb; cùng 4 họa sĩ khác. Ông Christophe DeLoire thuộc tổ chức Phóng viên không biên giới nói rằng, ngày 7-1 là ngày đen tối nhất trong lịch sử báo chí Pháp.
Hàng ngàn người đã tập trung ở Quảng trường Republique, trung tâm Paris, gần hiện trường vụ thảm sát, để tưởng niệm các nạn nhân. Không những thế, các cuộc tuần hành tương tự cũng diễn ra ở Quảng trường Trafalgar tại London (Anh) và các thành phố khác như: Madrid, Barcelona (Tây Ban Nha), Berlin (Đức) và Brussels (Bỉ).
Phát biểu trong sự đau buồn, Phó thị trưởng Paris Patrick Klugman khẳng định: “Người dân Paris sẽ không sợ hãi”. Tên của 12 nạn nhân được đăng tải trên các báo như những người hùng trong việc tự do ngôn luận. Có báo đăng tải tít đề: “Tất cả chúng ta là Charlie Hebdo”. Có báo tin trang bìa hai màu đen - trắng hoặc một màu đen như tờ Berlingske (Đan Mạch), De Tijd (Bỉ), v.v… CNN dẫn lời Thủ tướng Manuel Valls bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ tuần báo Charlie Hebdo. “Charlie Hebdo phải tiếp tục”, ông Valls nói.
Vụ thảm sát chưa làm người dân Pháp hết bàng hoàng thì ngay trong ngày 8-1, một người đàn ông mặc áo chống đạn dùng súng tự động nã đạn vào các cảnh sát tại ngoại ô Paris, làm 2 người bị thương nặng. Một kẻ tình nghi đã bị bắt giữ nhưng chưa rõ vụ việc này có liên quan đến vụ tấn công trước đó hay không. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve đến ngay hiện trường.
Đại diện Al-Qaeda đã bác bỏ trách nhiệm trong vụ tấn công tuần báo Charlie Hebdo. Cả Al-Qaeda lẫn tổ chức IS từng lên tiếng đe dọa tấn công Pháp, bởi Paris đã tham gia liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu tiến hành không kích ở Iraq. Ngoài ra, Paris cũng có các chiến dịch chống chiến binh Hồi giáo ở châu Phi.
Báo Charlie Hebdo từng làm người Hồi giáo tức giận Tuần báo châm biếm Charlie Hebdo có trụ sở tại Paris, được thành lập vào những năm 1960. Tên Charlie Hebdo được đặt theo tên của Charlie Brown, một nhân vật hoạt hình nổi tiếng thế giới. Từ lâu, tuần báo này rơi vào tầm ngắm của các tay súng Hồi giáo vì những tác phẩm chế nhạo tôn giáo, trong đó có đạo Hồi. Tờ báo cũng từng châm biếm các tổng thống cũng như đấng tiên tri Mohammed. Tháng 6-2006, Charlie Hebdo được thế giới biết đến khi đăng lại hình ảnh biếm họa đấng tiên tri Mohammed từng xuất hiện trên nhật báo Jyllands-Posten của Đan Mạch, gây sự phẫn nộ trong thế giới Hồi giáo. Song, số lượng phát hành của Charlie Hebdo sau đó tăng thêm 60.000 bản. Tháng 9-2012, trong lúc có những tranh cãi về bộ phim Innocence of Muslims (Sự vô tội của người Hồi giáo) của Mỹ, bị xem là phỉ báng đạo Hồi, Charlie Hebdo đổ thêm dầu vào lửa khi cho đăng một bức biếm họa mô tả đấng tiên tri Mohammed khỏa thân. |
PHÚC NGUYÊN